Về đường bộ:
Đồng thời với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mới nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường bộ cao tốc, bao gồm:
-Cơ bản nối thông cao tốc Bắc- Nam: hoàn thành các tuyến cao tốc đang thi công Đà Nẵng- Quảng Ngãi, Bến Lức- Long Thành, La Sơn- Túy Loan; khởi công mới các đoạn tuyến Ninh Bình- Quảng Bình, Quảng Ngãi- Quy Nhơn, Nha Trang- Phan Thiết- Dầu Giây, Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ.
-Hoàn thành tuyến cao tốc Thái Nguyên- Bắc Kạn, Bắc Giang- Lạng Sơn, Hòa Lạc- Hòa Bình. Tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu, như: Biên Hòa- Vũng Tàu, Bắc Giang- Đồng Đăng, Hạ Long- Hải Phòng, Vân Đồn- Móng Cái, thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài, Dầu Giây- Liên Khương...
-Nâng cao khả năng khai thác các tuyến cao tốc hiện có thông qua việc đầu tư các tuyến kết nối với đường cao tốc, như: kết nối Hà Giang, Tuyên Quang- Sơn La- Điện Biên, Lai Châu với cao tốc Nội Bài- Lào Cai; kết nối cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; kết nối Cao Bằng với cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn; Hoàn thành các hầm Đèo Cả, Cù Mông, hầm Hải Vân giai đoạn 2;
-Tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ; Hoàn thành hơn 600 km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến; Hoàn thành các cầu lớn: Đại Ngãi, Vàm Cống, Cao Lãnh, Văn Lang, Bạch Đằng, Bình Ca...; Đầu tư đường hành lang ven biển và đường tuần tra biên giới.
Về đường sắt: Tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến bắc - nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50- 60 km/h đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên- Lào Cai, Gia Lâm- Hải Phòng, Hà Nội- Thái Nguyên, Hà Nội-Lạng Sơn. Nghiên cứu phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc- Nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, dùng chung cho tàu khách và tàu hàng, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160-200 km/h, như đoạn Hà Nội- Vinh, thành phố Hồ Chí Minh- Nha Trang và Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng.
Về hàng không: Tập trung nâng cấp đồng bộ các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, hiệu quả các cảng hàng không, đưa tổng năng lực các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội. Đầu tư cảng hàng không Vân Đồn, Lào Cai, Lai Châu và Nà Sản bằng hình thức xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Mở thêm các đường bay mới cả trong và ngoài nước.
Về hàng hải: Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận tàu công-ten-nơ thế hệ mới; Hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ cảng Lạch Huyện; khuyến khích đầu tư xã hội hóa phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; hoàn thành Dự án xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; cải tạo, nâng cấp luồng vào các cảng biển quan trọng... đưa tổng công suất các cảng biển đạt khoảng 800 triệu tấn/năm vào năm 2020. Chú trọng đầu tư đảm bảo kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia, đầu mối logistics ở khu vực.
Về đường thủy nội địa: Đảm bảo chạy tàu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa quan trọng; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc; Nâng cấp, xây dựng mới một số cảng chính, bến hàng hóa và hành khách; phát triển vận tải sông pha biển.
Về giao thông đô thị: Tiếp tục phát triển hợp lý hệ thống KCHTGT đô thị và vận tải công cộng; Đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào khai thác ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Về giao thông nông thôn: Duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới GTNT hiện có (Tỷ lệ mặt đường cứng, rải nhựa hoặc bê tông xi măng đạt 100% đối với tuyến đường huyện, 70% đối với tuyến đường xã và 50% đối với tuyến đường thôn, xóm); hoàn thành toàn bộ 4.200 cầu dân sinh... nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.
LTB