|
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận điều hành ngân sách giai đoạn hiện nay rất khó khăn. |
Câu chuyện cân đối thu chi ngân sách đã được thảo thuận sôi nổi, thậm chí có lúc gay gắt tại Ủy ban thường vụ Quốc hội khi bàn về đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020). Nhiều con số giả định được đưa ra trong các bản kế hoạch để lấy ý kiến cơ quan thường trực Quốc hội, trước khi trình ra kỳ họp toàn thể, sẽ khai mạc vào cuối tháng này. Đây cũng là điểm gây ra nhiều tranh luận.
Đơn cử theo dự tính của Chính phủ, tổng GDP 5 năm tới sẽ đạt khoảng 31 triệu tỷ đồng. Hay con số 2,1 triệu tỷ là nguồn vốn dự kiến cho đầu tư trung hạn của thời kỳ này, trong khi nợ công được đặt mục tiêu giảm xuống còn 60%, trong đó nợ Chính phủ là 5%...
Với số liệu GDP, bản thân cơ quan điều hành cũng trích dẫn tính toán của các tổ chức quốc tế cho thấy con số chỉ khoảng 28 triệu tỷ đồng, song Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh vẫn lạc quan khi nghiêng về kịch bản cao. “Họ tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) rất thấp, nhưng tôi nghĩ CPI trong giai đoạn này tăng trung bình 4-5% là hợp lý. Đây là cơ sở để chúng ta tính toán các chỉ số khác, từ thu, chi đến nợ công”, ông Vinh nói.
Tương tự với vấn đề ngân sách khi Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách - Phùng Quốc Hiển cũng tỏ ra hoài nghi khi thấy Bộ trưởng Tài chính "còn lo về nhiều con số". Ông Hiển cho rằng cần thảo luận kỹ việc quyết định hướng hay quyết con số để tránh chuyện cuối kỳ, không thu đủ lại phải điều chỉnh, không đúng tinh thần của luật.
Giải thích về những mức dự tính đưa ra, Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng cho biết có thể tính chính xác thu chi năm 2016, song giai đoạn 2017-2020 chỉ là định hướng. “Anh Hiển có dám đảm bảo giá dầu trong 5 năm tới là 45 USD không?", ông Dũng đặt câu hỏi ngược lại.
Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận, mấy năm nay, điều hành ngân sách theo kiểu "đi trên dây" và tình thế này vẫn tiếp tục trong năm 2016, đặc biệt là với những diễn biến của giá dầu. "Đến năm 2017 mà đứt dây thì chúng ta chết”, ông Dũng cảm thán.
Trấn an Bộ trưởng với câu nói đùa: “Mấy năm nay giá dầu cứ lên xuống có ai chết đâu mà anh lo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định kế hoạch nêu trên chính là định hướng, dựa vào đó để điều hành. Do vậy, ông yêu cầu các thông số đưa ra phải chính xác để đại biểu Quốc hội có cơ sở yên tâm "bấm nút".
“Tôi đề nghị làm kỹ, đến kỳ họp sau Quốc hội thông qua, chứ chưa chắc chắn như vậy thì thường vụ làm sao “gật” được”, ông nói.
Bàn về giải pháp cụ thể để tăng thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ dự kiến điều chỉnh 8 loại chính sách về thuế để tránh hụt thu khoảng 450.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành ước tính có thể thu về khoảng 150.000 tỷ từ thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy vậy, những giải pháp này cũng vấp phải sự phản ứng từ Chủ tịch Quốc hội. “Riêng giải pháp tăng thuế lên để thu nữa là tôi không đồng ý đâu. Đất nước ta lúc này không tăng thuế được đâu”, ông Hùng nói.
Theo VnE