Tại buổi chất vấn, Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) đặt vấn đề: Vừa qua Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét, kết luận sai phạm của nguyên bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Là người đứng đầu, Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về hình thức xử lý ông Vũ Huy Hoàng, và đây là trường hợp đặc biệt.
Từ vụ này, theo Bộ trưởng có cần sửa đổi Luật cán bộ công chức để xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ công chức kể cả sau nghỉ hưu?
Trả lời đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Ban bí thư đã cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, đó là kỷ luật Đảng, việc kỷ luật hành chính là vấn đề khó. Lý do vì chưa từng có tiền lệ.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý hành chính, qua đó thể hiện quyết tâm chính trị “ai đó dù nghỉ hưu nhưng nếu có vi phạm thì không có chuyện hạ cách an toàn”, đồng thời cũng để cảnh báo những cán bộ đương chức - Bộ trưởng cho biết.
“Không phải nghỉ hưu là hết trách nhiệm với Đảng, Nhà nước” - ông Tân nói và cho biết tới đây Bộ sẽ rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật cán bộ, công chức để bổ sung những quy định về xử lý kỷ luật cán bộ hưu trí, “tạo hành lang pháp lý xử lý các trường hợp về sau”. Trong quá trình chưa sửa đổi thì có văn bản phù hợp với quy định pháp luật để xử lý các trường hợp trước mắt.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi: Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là rất tốt, nhưng thời gian qua, cụm từ “đúng quy trình” lại là “bà đỡ”, là rèm che cho việc chọn người nhà chứ không chọn người tài, gây bức xúc. Bộ trưởng có giải pháp nào khắc phục lấy lại niềm tin cho nhân dân?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời: Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ nội vụ rà soát thông tin báo chí nêu, hiện nay Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong việc bổ nhiệm người nhà với 9 địa phương.
Trong thời gian rất ngắn, chúng tôi đã tổ chức thanh tra công vụ cử 3 đoàn xuống làm việc, trong vòng 15 ngày đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, và qua báo cáo lần này, chúng tôi đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo UBND các tỉnh trong việc bổ nhiệm cán bộ phải đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định.
Và việc tuyển chọn cán bộ phải áp dụng rộng rãi, công khai, minh bạch, dân chủ và đề nghị nên xem xét xử lý đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc tham mưu không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, đồng thời cũng phải đưa ra bộ máy, rút lại những quyết định bổ nhiệm không đúng theo tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình trong thời gian qua.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga về vấn đề có hay không tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ ở nhiều bộ ngành, ông Lê Vĩnh Tân cho hay Bộ Nội vụ đã có hai báo cáo trong tháng 9 và tháng 10 gửi Thủ tướng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng thì Bộ Nội vụ cần lấy mốc từ 1/1/2015 đến 30/6/2016 để rà soát, thống kê vấn đề này, do đó Bộ Nội vụ đang tập hợp dữ liệu, khi có số liệu đầy đủ sẽ báo cáo với Quốc hội.
Thông tin sơ bộ, người đứng đầu ngành nội vụ khẳng định “hiện tượng bổ nhiệm nhiều cuối nhiệm kỳ là có”, tuy nhiên đó là bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới và có đúng tiêu chuẩn, quy hoạch hay không thì cần thời gian làm rõ. Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thanh tra vấn đề này, đặc biệt trong năm 2017 nhằm chấn chỉnh kỷ luật trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ.
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Lê Thị Nga nói bà đã chất vấn bằng văn bản cách đây 4 tháng, sao Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng mà không gửi trả lời cho người chất vấn? Hơn nữa thời gian 4 tháng lẽ ra đã đủ cho Bộ Nội vụ thanh tra một số điểm nóng mà dư luận, báo chí phản ánh tình trạng bổ nhiệm ồ ạt thời gian qua.