Mở đầu phần trả lời chất vấn, trả lời câu hỏi về giải pháp ngăn chặn hướng dẫn viên du lịch chui, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sự việc hướng dẫn viên không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề du lịch xuất hiện ở một số địa phương khi khách du lịch tăng đột biết hoặc xuất hiện những du khách đến từ những thị trường mà ngôn ngữ không phổ biến. Để xử lý tình trạng hướng dẫn viên chui, Bộ quản lý chặt chẽ và công khai việc cấp thẻ; phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không được cấp thể; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên...
Nếu năng lực cán bộ tốt đã không xảy ra chuyện như vậy
Về câu hỏi của đại biểu Cao Thị Xuân về năng lực cán bộ trong việc vụ việc ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, hay Tổng cục Du lịch, Bộ trước Thiện chia sẻ: "Thực sự mà nói sự việc xảy ra vừa rồi, trước hết là do năng lực cán bộ. Nếu tốt đã không xảy ra như vậy"
Ông Thiện đánh giá, việc cập nhật 324 bài hát lên website là "những cái sai không đáng có. Sai nghiệp vụ rất sơ đẳng của quản lý nhà nước".
"Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và đã đề ra giải pháp, làm rõ nguyên nhân ở đâu, trên cơ sở đó nâng cao năng lực, nghiệp vụ, cần thiết thì thuyên chuyển", ông Thiện nói.
Di tích bị xuống cấp, trách nhiệm thuộc về ai?
Về câu hỏi liên quan đến di tích lịch sử, nghệ thuật truyền thống, văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với dân tộc là nguồn thu hút du lịch khách tham quan nhưng thời gian qua di tích lịch sử xuống cấp, nhiều nơi sửa chữa tôn tạo, nghệ thuật dân tộc bị lấn át, phai nhạt… Vậy với trách nhiệm cơ quan quản lý, Bộ trưởng có trách nhiệm, giải pháp gì để khắc phục những vấn đề trên? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trên cả nước có 3300 di tích quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh; đa số di tích làm bằng gỗ nên bị xuống cấp, cần được đầu tư nguồn lực để tôn tạo, trùng tu.
“Giai đoạn 2011-2015, chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nguồn lực không nhiều, nhưng đã giúp cho công tác trùng tu di tích văn hóa quan trọng trên toàn quốc, Tuy nhiên, từ năm 2016 không còn chương trình mục tiêu quốc gia này, dẫn đến thiếu nguồn vốn tập trung đầu tư đồng bộ" - Bộ trưởng thông tin thêm.
Vì vậy, "vấn đề hiện nay là phải xã hội hóa, huy động doanh nghiệp tham gia vào trung tu, tôn tạo di tích văn hóa” - ông Thiện đề xuất.
Bảo tồn và phát triển văn hóa thiểu số thế nào?
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đặt vấn đề, nước ta có 53 dân tộc thiểu số, những năm gần đây văn hóa các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một lớn, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng cùng đó là làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập với hàng trăm kênh truyền hình giải trí làm cho không gian văn hóa truyền thống biến đổi theo.
Đáng lo ngại hơn, các bạn trẻ ít sử dụng tiếng dân tộc, coi nhẹ trang phục truyền thống. Các địa phương đều nhận thấy việc bảo tồn văn hóa là cấp bách. Từ năm 2016, không còn chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa, trong khi các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lại có điều kiện kinh tế khó khăn. Việc bố trí kinh phí cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số hạn chế.
"Đề nghị Bộ trưởng đề xuất giải pháp gì để bảo tồn và phát triển văn hóa thiểu số? Thư viện có vai trò phát triển văn hóa đọc nhưng không được quan tâm đúng mức, Bộ trưởng cho biết giải pháp để nâng cao chất lượng?". " - Đại biểu Mai nên câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh, "từ năm 2016 không còn nguồn để phân bổ về các địa phương như trước". Triển khai chương trình mục tiêu, phát triển văn hóa thì Trung ương, Bộ kế hoạch đầu tư phân bổ trực tiếp về các địa phương và hết sức ưu tiên, đầu tư phát triển văn hóa trong đó có bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể. Về lĩnh vực thư viện, đây là vấn đề phát triển văn hóa đọc. Văn hóa đọc là nội dung rất quan trọng với Chính phủ. Hiện nay, vấn đề thư viện có nhiều vấn đề cần quan tâm xử lý" - Bộ trưởng Thiện nói.
Vấn đề "Quy hoạch Sơn Trà" làm nóng nghị trường
Liên quan đến vấn đề quy hoạch Sơn Trà, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nêu câu hỏi “Là người phụ trách trực tiếp vấn đề du lịch, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thẩm định phê duyệt khu du lịch Sơn Trà, Đà Nẵng, có đảm bảo thống nhất khả thi? Quan điểm xử lý của bộ trưởng đối với những dự án trên bán đảo Sơn Trà như thế nào?"
"Là Bộ trưởng tôi luôn trăn trở về vấn đề này" - Bộ trưởng Thiện nói.
Người đứng đầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, việc xây dựng quy hoạch này được thực hiện theo các quy định hiện hành,.. Trong quá trình xây dựng bộ phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, lấy ý kiến 11 bộ ngành, thẩm định của các chuyên gia... Tổng diện tích bán đảo Sơn Trà có hơn 4000ha, quy hoạch này chỉ điều chỉnh hơn 1000ha phù hợp với quy định của diện tích của 1 khu du lịch quốc gia.
Khi chưa có quy hoạch, tổng số phòng trong các dự án vào khoảng 5049 phòng, bản quy hoạch này đã rút xuống còn 1600 phòng. Về các ý kiến phản biện thời gian qua, tinh thần của Bộ là cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý để bảo vệ gắn với phát triển bền vững Sơn Trà.
“Quan điểm của chúng tôi về phát triển du lịch Sơn Trà là bền vững, có trách nhiệm, bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học nổi bật, gắn phát triển với bảo tồn nhưng ưu tiên bảo tồn” - Bộ trưởng Thiện khẳng định.
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiên bao gồm: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).