Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho hay, thời gian qua có những thông tin “nhạy cảm” về sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo cần được cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí. Bởi lẽ, nếu không kịp thời, một số thế lực thù địch lợi dụng khoáy sâu, đưa những thông tin sai trái làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của nhân dân.
“Nếu không ngăn chặn kịp thời bằng những thông tin chính thống sẽ dẫn đến trong một khoảnh khắc nào đó, thông tin sai trái gây hậu quả, làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của nhân dân. Vì thế, việc cung cấp kịp thời các thông tin cho các cơ quan báo chí để phản bác lại những thông tin sai trái trên không gian mạng hiện nay là việc cần thúc đẩy hơn nữa. Việc này trong các buổi giao ban báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo đều cảnh báo và có yêu cầu các Bộ, ngành kịp thời cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Liên quan đến việc cung cấp thông tin về sức khỏe của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, liệu có quy định cấm nào không,Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, mặc dù sức khỏe của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thông tin riêng, bí mật, được quản lý chặt chẽ nhưng khi xảy ra sự cố bất khả kháng về sức khỏe thì không có “vùng cấm” nào trong việc cung cấp thông tin.
Bởi lẽ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người của xã hội, công chúng nên khi xảy ra sự việc về sức khỏe như đồng chí Nguyễn Bá Thanh hay Đại tướng Phùng Quang Thanh vừa qua thì cần kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí để có thể thông tin cho người dân biết, nhằm xóa đi những thông tin sai trái, bịa đặt.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, thời gian qua, khi xảy ra sự việc về sức khỏe của đồng chí Nguyễn Bá Thanh hay Đại tướng Phùng Quang Thanh cho thấy người dân rất quan tâm, lo lắng về sức khỏe các lãnh đạo. Nhất là khi hình ảnh của đồng chí Phùng Quang Thanh xuất hiện trên truyền hình đã có rất nhiều ý kiến đáng chú ý của người dân như “Chúng tôi tự hào khi nhìn thấy Đại tướng khỏe mạnh” khiến chúng ta cũng cảm thấy xúc động sau khi đọc những bình luận đó.
Điều này cho thấy tình cảm của người dân, họ rất quan tâm tới sức khỏe của các lãnh đạo, thể hiện Đảng, cán bộ Nhà nước và nhân dân rất gần gũi với nhau nên mới có tình cảm như vậy.
Hiện nay trên các trang mạng xã hội có rất nhiều thông tin, tốt có, xấu có. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, bản thân những người làm báo làm sao phải nêu cao vai trò trách nhiệm để bám sát các tình hình hoạt động của địa phương, xã hội, các bộ ngành nhằm đưa thông tin chuẩn nhất, kịp thời nhất. Người làm báo là người lính xung kích mặt trận tư tưởng có trách nhiệm phản bác những thông tin sai trái bên cạnh việc thông tin tuyên truyền những hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Thời gian tới, đất nước sẽ diễn ra những sự kiện chính trị lớn như Đại hội Đảng, lễ kỷ niệm 70 năm xây dựng đất nước,… Bộ trưởng lưu ý chúng ta cần luôn cảnh giác trước những thế lực thù địch có thể lợi dụng để đưa những thông tin xuyên tạc, không đúng, gây mâu thuẫn nội bộ trong Đảng của các cấp ủy của chính quyền địa phương đến cả cấp Nhà nước.
“Do đó, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tốt những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước và phản biện lại những thông tin sai trái. Nếu các phóng viên báo chí trong quá trình làm việc phát hiện ra những thông tin sai trái gì cần thông báo tới các cơ quan chức năng hoặc thông báo tới lãnh đạo báo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội nhà báo… để chúng ta kịp thời phối hợp có thêm thông tin và có những đối sách”, Bộ trưởng lưu ý.
Liên quan đến việc làm thế nào để có thể ngăn chặn những tin đồn, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho hay, tất cả các văn bản hay như Luật Báo chí đều có quy định không được đưa thông tin trái với lợi ích của đất nước, nhân dân. Nghị định 72 cũng quy định rõ những trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội không được đưa những nội dung vi phạm điều cấm.
“Hầu như các chế tài đều có cả, chỉ có điều chúng ta cần tuyên truyền để có thể thực hiện tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Theo Infonet