Nhìn lại kinh tế 1 năm qua và chặng đường 8 tháng “dẫn dắt” ngành kế hoạch và đầu tư, những chỉ đạo, điều hành nào để lại cho Bộ trưởng ấn tượng nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2016 là một năm có nhiều ý nghĩa đối với các thành viên Chính phủ mới lần đầu tiên nắm giữ cương vị Bộ trưởng, trong đó có tôi. Mặc dù nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong nước và bối cảnh quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự phối hợp tốt với các cơ quan của Chính phủ, tham mưu cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phấn đấu hoàn thành phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội...
Điều để lại ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Đối với một Bộ trưởng mới như tôi, việc phải báo cáo, giải trình trước Quốc hội 10 lần trong một kỳ họp là một thách thức không nhỏ. Tôi cảm ơn và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức toàn ngành kế hoạch và đầu tư, đã cùng tôi bảo vệ thành công trước Quốc hội những báo cáo lớn, trong đó Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2017; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và năm 2017; Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến rất tích cực về 2 Dự thảo luật là Luật Quy hoạch và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để xem xét, thông qua vào kỳ họp sau.
Tại Hội nghị ngành kế hoạch và đầu tư, một trong những yêu cầu Thủ tướng đặt ra với ngành là với nguồn lực eo hẹp nhất phải có những thiết kế tốt nhất, Bộ trưởng sẽ làm gì để góp phần thực hiện tốt vai trò 'kiến trúc sư trưởng' như kỳ vọng của lãnh đạo Chính phủ?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi đã tham gia xây dựng một số kế hoạch trung hạn. Cụ thể, với Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đóng vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa thực hiện chức năng cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công.
Với mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016-2020; trong điều kiện nguồn vốn công, nhất là ngân sách nhà nước hạn hẹp, áp lực trần nợ công... nhiệm vụ của Kế hoạch đầu tư công trung hạn một mặt vừa phải đáp ứng mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng phục vụ tăng trưởng kinh tế như đường cao tốc Bắc-Nam, vừa phải giải quyết nhu cầu đầu tư phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặt khác, Kế hoạch phải dành một phần vốn đáng kể để xử lý những tồn đọng của giai đoạn trước như hoàn vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đổi mới, sáng tạo và cũng mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các ngành, các cấp thực hiện nghiêm các quy định về phân bổ nguồn lực để cùng hướng tới mục tiêu thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn một cách tiết kiệm, hiệu quả, không dàn trải, lãng phí... góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016-2020.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng vừa được Quốc hội thông qua là một kế hoạch khung. Để thực hiện phải cụ thể hóa bằng các đề án gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch. Căn cứ nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết thì năm 2017 được coi là năm “mở đường”, đường mở tốt thì chúng ta mới có thể đi nhanh được.
Tôi nhận thấy để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, công việc trong năm 2017 và thời gian sắp tới là rất lớn. Trước hết là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành đến công tác xây dựng đề án cụ thể, thiết lập cơ chế thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá và tuyên truyền... Tất cả các nhiệm vụ này đều rất quan trọng và đều phải được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, với ý nghĩa “mở đường” thì nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật là quan trọng nhất và là điều kiện tiên quyết. Bởi lẽ, cơ cấu lại nền kinh tế chắc chắn sẽ vấp phải một số quy định pháp luật đã không còn phù hợp, phải điều chỉnh hoặc bãi bỏ. Nếu không làm được điều này, chắc chắn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế sẽ gặp nhiều trở ngại.
Dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường hơn những năm vừa qua, báo hiệu một năm 2017 đầy “bận rộn” của ngành kế hoạch và đầu tư. Trong không khí đầu Xuân năm mới, xin Bộ trưởng cho một vài dự cảm và thông điệp về tình hình kinh tế đất nước năm 2017?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi cho rằng, năm 2017 được dự báo là sẽ tiếp tục có nhiều thách thức ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, trong thách thức có cơ hội, chúng ta cần phải nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội, chủ động, linh hoạt. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật là nền kinh tế đã bộc lộ nhiều yếu kém cả về chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, xuống từng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp được khai sinh, nhưng còn cả một chặng đường lớn mạnh. Trong khi đó, những vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính... vẫn còn là trở ngại chính làm cho chi phí trung gian còn rất cao, và khiến các doanh nghiệp chưa thể “sống”, tồn tại chứ chưa nói gì đến phát triển lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Điều đáng khích lệ là với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, môi trường kinh doanh đã từng bước được cải thiện. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 vừa diễn ra đầu tháng 12/2016, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Dù có cải thiện, nhưng ta vẫn chưa có sự bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN. Chúng ta vẫn đang đứng thứ 5 trong số 10 nước ASEAN, trong khi các nước xếp trên không dừng lại để ta vượt qua và các nước xếp sau lại đang có những cải thiện vượt bậc.
Nếu không có đột phá và tốc độ cải thiện nhanh, chúng ta không những khó tiếp cận nhóm ASEAN 3 hoặc 4, thậm chí còn bị tụt lại phía sau.
Các bộ, ngành Trung ương đã tập trung xây dựng thể chế, quản lý điều hành bằng luật pháp, cơ chế chính sách, công cụ kinh tế; hạn chế tối đa sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế. Cần dẹp bỏ các lợi ích nhóm để kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường.
Chưa bao giờ, cộng đồng doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội như bây giờ. Bản thân doanh nghiệp cần nỗ lực phát triển để trở thành một lực lượng mạnh mẽ, có thực lực, xứng đáng là động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển của đất nước.
Theo VGP