Bà Lê Thị Thu Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi, liệu dự thảo Luật có giải quyết được bất cập nợ công tăng nhanh, áp lực với những khoản nợ đến hạn phải trả lớn, nợ Chính phủ vượt trần…
Mặt khác, từ khi có Luật Quản lý nợ công năm 2009 đến nay, đáng ra tình trạng nợ công tăng nhanh phải hạn chế được, nhưng thực tế nợ công vẫn tăng cao, vậy nguyên nhân từ đâu? Do cách thức tổ chức thực hiện hay do bản thân Luật có vấn đề?, bà Nga đặt câu hỏi.
Ngoài ra, thực trạng nợ công được tính gồm các khoản nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vẫn có những khoản nợ không nằm trong cơ cấu này mà nghĩa vụ thanh toán cuối cùng vẫn là của Nhà nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT Phan Xuân Dũng đặt vấn đề dự thảo, “cần làm rõ để dư luận, cử tri và đại biểu hiểu rằng nợ công như thế nào thì đáng lo. 200% như Nhật, 160% như Mỹ, hay 60% thì đáng lo, vì sao?”
Còn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: "Nếu những khoản nợ vay mà đối tượng không trả được thì Chính phủ vẫn phải gánh, như nợ bảo hiểm xã hội, nợ xây dựng cơ bản thì có nên đưa vào phạm trù quy định về nợ công? Hiệu quả sử dụng nợ vay của Việt Nam thế nào khi nhiều nước cũng vay nợ rất lớn nhưng không phải lo lắng gì trong khi nguy cơ vỡ nợ với Việt Nam rất lớn, dù tỷ lệ vẫn khống chế trong tỷ lệ 65% GPD?".
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng băn khoăn về cơ chế quản lý nợ, dù quan điểm là thống nhất đặt ở Bộ Tài chính nhưng những hợp phần như ODA lại thuộc phần Bộ KH-ĐT. Một nhà mà có quá nhiều cửa, nhiều người được vay nợ thì có quản lý được nợ hiệu quả?
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, nợ công tăng nhanh là đúng khi đầu chi lớn, thu ít hơn.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2011 – 2013, để huy động vốn, chúng ta huy động kỳ hạn quá ngắn, lãi suất quá cao, có khoản 11 – 12%/năm nên nghĩa vụ trả nợ dồn vào các năm 2015 – 2017.
Theo ông Đinh Tiến Dũng: "Nợ công tăng nhanh trước hết do điều hành, kinh tế tăng trưởng 5 năm vừa qua không đạt mục tiêu. Thực tế cả nhiệm kỳ chỉ đạt 5,9%, trong khi mục tiêu hơn 7%. Trong khi đó, chúng ta vẫn đảm bảo các chỉ tiêu khác như đề ra, như an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ theo Nghị quyết của T.Ư, Quốc hội...., do vậy thời gian dài chúng ta giữ bội chi rất cao".
Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác xuất phát từ việc điều hành khi sự phối hợp giữa các cấp, các ngành không ăn ý.
"Trong phương án chúng tôi trình đề xuất điều hành thống nhất tập trung, Thủ tướng đã ủng hộ, nhưng khi ra Chính phủ bỏ phiếu thì phiếu quá ít nên phải theo cơ chế điều hành tập thể", the ông Dũng điều này rõ ràng là quá bất cập, "vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, không sao quản lý được".
Bộ trưởng Bộ Tài chính đặt vấn đề: "Nếu năm vừa qua, GDP đúng dự toán thì nợ công chỉ 60 – 61%, nhưng thực tế nợ công lên trên 64%. Đã bàn về nợ công, phải nhìn tổng thể nền kinh tế. Ta nói mãi nhưng cứ vay thì kiểu gì cũng phình ra. Dự báo thì năm nào cũng sai, GDP năm nào cũng trật, đi xuống thấp".
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu, nợ công tăng nhanh do nguyên nhân điều hành, đầu tư kém hiệu quả. Giải quyết tình trạng trên không phải chỉ do Luật này mà chủ yếu ở Luật đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng.
Thứ trưởng Đào Quang Thu nói: “Nếu trước kia vay nợ rất thoải mái, đầu tư dàn trải thì vừa qua kế hoạch đầu tư trung hạn xác định rất rõ và kiểm soát được hết vay bao nhiêu, đầu tư lấy nguồn từ đâu, chủ trương đầu tư thế nào thì mới thực hiện”