Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Nhiều nhà đầu tư lớn vay vốn ngân hàng thông qua công ty con

VietTimes -- Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng một trong những tác nhân khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn là do một số nhà đầu tư lớn sử dụng vốn vay ngân hàng thông qua các công ty con, công ty liên kết dẫn tới việc kiểm soát tín dụng đầu tư vấp nhiều trở ngại.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phạm Hồng Hà - Ảnh: Quang Vững
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phạm Hồng Hà - Ảnh: Quang Vững

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ I, diễn ra vào sáng nay 15/11 Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà dự báo năm 2018 diễn biến thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu biến động cực đoan lớn nhưng thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch, một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hiện tại nguồn vốn đầu tư kinh doanh bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu được huy động từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và huy động từ khách hàng, nguồn vốn sở hữu của chủ đầu tư còn thấp; một số nhà đầu tư lớn sử dụng vốn vay ngân hàng thông qua các công ty con, công ty liên kết dẫn tới việc kiểm soát tín dụng đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Hồng Hà đánh giá một số doanh nghiệp bất động sản triển khai một số dự án có quy mô sản phẩm hàng hóa chưa phù hợp với yêu cầu thị trường; năng lực tài chính, quản lý còn yếu kém dẫn tới dự án chậm tiến độ, lãng phí đất đai, nguồn lực. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời ban hành, hoàn thiện thể chế về thị trường bất động sản. Còn thiếu một số công cụ thuế, tín dụng, đất đai để điều tiết các nguồn lực phát triển bất đọng sản một cách công bằng, hợp lý và khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê.

Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhất là phân khúc nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn đang bị hạn chế rất nhiều về mức thu nhập, chưa thể tự lo được nhà ở bếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế.