Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, nền kinh tế số; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất, đồng thời nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động.
Ở Việt Nam, từ trước đến nay, nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn lạc hậu. Do vậy, đây là một trong những thách thức lớn nhất khi đối diện với cuộc CMCN 4.0.
Theo dự báo, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tăng thêm 47% mỗi năm, trong khi đó số sinh viên ngành công nghệ thông tin ra trường lại chỉ tăng 8%/năm.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra những “điểm nghẽn” ngăn cản sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CMCN 4.0 nằm ở cơ chế quản trị và cơ chế tài chính.
Kỷ nguyên số sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, khi máy móc dần thay thế con người. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ở nước ta cũng không nằm ngoài xu thế đó, nhất là khi lực lượng lao động rất dồi dào nhưng lại thiếu năng lực và kỹ năng.
Thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm số lượng lớn. Chưa kể lực lượng lao động thiếu các kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng ICT, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, thiếu ý thức trách nhiệm và chậm thích nghi với môi trường mới, năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thừa nhận hiện nay ở nước ta việc thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ còn nhiều hạn chế; số lượng các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển chưa bền vững.