Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp khẩn do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức chiều nay (19/12), nhằm tìm ra các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí, đảm bảo sức khỏe cho người dân, trước tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng kém, trong đó, có những ngày ở mức “màu nâu” - cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe,
Cuộc họp đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh, cùng rất đông phóng viên báo chí.
Bất ngờ trước số lượng các phóng viên tác nghiệp quá đông, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Bộ TN&MT tổ chức cuộc họp này nhằm đánh giá đúng nguyên nhân, thực trạng, để đưa ra giải pháp. Việc thông tin cần chính xác, tránh làm hoang mang, người dân lo lắng. Trong cuộc họp sẽ có nhiều ý kiến đưa ra, trao đi đổi lại và tiến tới các bên sẽ thống nhất biện pháp, giải pháp để đảm bảo sức khỏe cho người dân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề cấp bách và cũng rất nhạy cảm. Sự quan tâm của người dân về vấn đề ô nhiễm là hết sức chính đáng. "Nhưng thông tin về ô nhiễm không khí cần có sự thống nhất cao, bởi các thông tin không chính thống đã tạo ra lo ngại không cần thiết và bị lợi dụng, làm mất an ninh trật tự hoặc để quảng cáo”- Bộ trưởng Hà nêu quan điểm.
Cuộc họp khẩn của Bộ TN&MT thu hút sự quan tâm của hàng trăm cơ quan báo chí
|
Theo Bộ trưởng Bô TN&MT, thời gian qua chất lượng không khí ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mức độ ô nhiễm tập trung vào nhiều thời kỳ, giai đoạn. Ô nhiễm có những thời điểm vượt quá ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe tới con người.
Đánh giá về tình trạng ô nhiễm và nguyên nhân gây ô nhiễm thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Số liệu từ các trạm quan trắc, như trạm quan trắc ở TP. Hà Nội, trạm quan trắc Quốc gia của Bộ TN&MT và hai trạm quan trắc khác, có thể thấy rằng, từ năm 2013-2019, các thành phần quan trắc, trừ bụi mịn, thì các thông số khác như CO, SO2, CO2, NO2… cho thấy vẫn trong quy chuẩn cho phép, có những lúc chạm ngưỡng quy chuẩn, song không bị vượt quy chuẩn, thậm chí đối với thông số bụi hại cỡ lớn có thời điểm có xu hướng giảm.
Riêng từ 2017 - 2019, chỉ số bụi mịn có xu hướng tăng theo mùa và theo thời gian từ 2 – 9h sáng.
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM, mặc dù chưa chỉ ra được nguyên nhân chính yếu, nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng việc nhận diện nguồn gây ô nhiễm không khó. Ông chỉ ra các nguồn gây ô nhiễm này, trong đó phải kể tới nguồn ô nhiễm lớn nhất là các phương tiện giao thông tăng cao, lượng khói bụi xả ra các chất ô nhiễm rất lớn. “Quy chuẩn đối với ô tô, xe máy ở Việt Nam so với thế giới còn rất thấp”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh đó, Hà Nội hiện nay đang là một đại công trường, với hơn 1.000 công trình đang xây dựng, vỉa hè, đường xá bị đào xới. TP.HCM cũng vậy. Hai thành phố này trở thành đại công trường và đó là tác nhân gây ô nhiễm rất lớn. Riêng ở TP.HCM còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm.
Ngay cả trên những con phố vắng, bầu trời Hà Nội có một màu bàng bạc.
|
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, còn một nguyên nhân đặc thù của Hà Nội: Vấn đề đốt rơm rạ. Đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn.
Bên cạnh đó, “Hà Nội có tới hơn 6 vạn hộ dân đang dùng bếp than tổ ong. Tôi không ngờ con số lại lớn như vậy. Cộng với việc đốt rác thải nguy hại ở ngoại thành Hà Nội, những vấn đề này đều khiến các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những tháng cuối năm tăng cao”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đều là các nguyên nhân chủ quan, "do con người tạo nên chứ không phải nguyên nhân khách quan từ môi trường hay khí hậu”.
Thông tin thêm về hướng xử lý trước mắt đối với tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội hiện nay, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết Hà Nội đã cam kết sẽ chuyển đổi các hình thức xử lý rác thân thiện với môi trường; vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức dùng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác. Dự kiến đến năm 2021 sẽ chuyển đổi xong.
Cũng trong hôm nay (19/12), Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về bảo vệ, cải thiện môi trường không khí tại Hà Nội và TPHCM. Xét đề nghị của Bộ TN&MT về các giải pháp bảo vệ, cải thiện môi trường không khí, Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ TN&MT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT; UBND TP. Hà Nội và TP. HCM; UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. |