Bộ trưởng Bộ NN&PTNN trả lời chất vấn trước Quốc hội

VietTimes -- Sáng 13/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sau phần khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ là "Tư lệnh ngành" đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng khủng hoảng thừa thịt lợn không phải lỗi của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng khủng hoảng thừa thịt lợn không phải lỗi của người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn.
Dự kiến, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ trả lời chất vấn 3 nhóm chủ đề: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ. 

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

"Giải cứu thịt lợn" làm nóng chất vấn quốc hội

Bắt đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc "giải cứu giá lợn" trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu Bộ NN&PTNT quy hoạch ngành chăn nuôi với tổng đàn lợn năm 2015 là 32 triệu con. Nhưng năm 2015 mới đạt 27 triệu, 2016 mới đạt 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch mà thị trường đã dư thừa, giá cả xuống, thua lỗ nặng. Đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thứ nhất là tăng trưởng quá nhanh, riêng thịt đã tăng từ 3,4 lên 5,6 triệu tấn, sữa tăng 15 lần trong 10 năm qua.

Như vậy, nguyên nhân là do khối lượng khổng lồ tăng trong thời gian ngắn. Riêng về lợn tăng còn nhanh hơn nữa. Riêng về lợn, ngoài việc tăng đột biến thì “rổ thực phẩm” có sự thay đổi. Trước đây thịt lợn là thực phẩm chủ yếu nhưng nay có nhiều thứ khác, dẫn tới cung lớn hơn cầu.

Thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt, có tới 3 triệu hộ chăn nuôi, vẫn phải duy trì vì nông dân không chăn nuôi thì không biết làm gì. Nhưng cần phải co lại để tổ chức tốt hơn.

Hơn nữa, tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Cho đến lúc này khâu liên kết chỉ được 20%, còn lại là rất kém, các doanh nghiệp chế biến sâu rất ít. 90% là tiêu thụ theo kiểu truyền thống.

Hiện nay chỉ mới xuất khẩu được lợn sữa, mỗi năm 20 ngàn tấn, còn lợn thịt chủ yếu xuất qua Trung Quốc.

Mặt khác về tổ chức thị trường, chúng ta mới chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ lợn sữa, lợn thịt chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc...Như vậy có ba khâu sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường thì hai khâu sau rất yếu. Từ đây dẫn tới thịt lợn dồn ứ như vừa qua.

Tóm lại chúng ta mới chỉ làm được 1 phân khúc, còn 2 phân khúc khác chúng ta rất kém, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực này và đưa ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh bổ sung thêm, trong thời gian vừa qua, thị trường lợn đã có những những phát triển ấn tượng như Bộ trưởng Cường đã nêu, điều này cho thấy tiềm năng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể phát triển nếu làm tốt công tác thị trường.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đồng tình với Bộ trưởng Cường về vấn đề chưa làm tốt công tác thị trường. Muốn giải quyêt được khâu công tác thị trường, chúng ta phải giải quyết được 2 vấn đề: Thứ nhất là mở cửa thị trường về mặt thương mại, tức là giảm thuế xuất, thuế nhập khẩu. Hai la phải mở cửa thủ tục hành chính và hàng rào kỹ thuật.

Chúng ta đã thực hiện được việc mở cửa thị trường, như 12 hiệp định FTA, hạ thuế xuất xuống bằng 0… Nhưng còn hàng rào kỹ thuật thì chúng ta chưa đạt được những tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Ví dụ như xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, 2 bộ đã tiến hành xúc tiếp việc xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2016 và kéo sang năm 2017. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất để Trung quốc nhập lợn của Việt Nam, đầu tiên là vùng chăn nuôi lợn xuất khẩu sang Trung Quốc không có dịch lở mồm long móng. Vấn đề này Bộ Nông nghiệp đang làm việc với tổ chức y tế thế giới, bộ nông nghiệp Trung Quốc để làm việc, nhưng vẫ sẽ phải chờ quy trình, quy chế. Thông thường, một mặt hàng muốn xuất khẩu ra nước ngoài cần 2-3 năm mới có thể thành công.

Không phải mọt mặt hàng của chúng ta đều có ưu thế và lợi thế cạnh tranh. Như thịt lợn, có thể chúng ta cạnh tranh được với các nước xung quanh: Trung Quốc, Thái Lan, Đông Nam Á, nhưng với 10,6 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì giá thành thịt lợn còn cao hơn giá thành thịt lợn của Mỹ nhưng chất lượng không bằng… Chính vì vậy chúng ta phải đnáh giá cho đúng lợi thế cạnh tranh của minh. Nghĩa là vai trò quản lý nhà nước phải định hướng được quy hoạch, sản xuất để vượt qua được những rào cản kỹ thuật,… để phát triển bền vững.

Còn tạm nhập tái xuất đã được tổ chức thương mại thế giới quy định, Việt Nam phải tuân thủ, đặc biệt là tại biên giới với Trung quốc.

Như xuất, nhập khẩu qua biên giới với Trung Quốc, với mặt hàng thịt lợn, hầu hết là nội tạng, thịt chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Hơn nữa, mặt hàng này chiếm chưa tới 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của VIệt Nam, hoàn toàn không ảnh hưởng đến kim ngạch tiêu thụ thịt lợn sang Trung Quốc.

Đặc biệt, hơn 300.000 tấn lợn hơi xuất khẩu sang TQ trong năm 2016, đều qua ngạch tiểu ngạch, nghĩa là xuất khẩu qua biên giới không qua kiểm soát chính thức, vì vậy việc xuất khẩu này không bền vững.

Như vậy để phát triển bền vững, chúng ta phải tái cơ cấu lại nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và chăn nuôi lợn.

Không cho phát triển sản xuất cám
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp chưa làm tốt việc tổ chức tiêu thụ, cảnh báo thị trường. "Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng, tổng đàn lợn 4,2triệu con là thừa, đến 2019 chỉ còn 4 triệu con. Mỗi con nái phải tiến tới đẻ 30-32 con/ năm. Chưa kể, sản lượng cám của chúng ta hiện nay lên tới 23 triệu tấn cám, chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh không cho phát triển sản xuất cám, cần phát triển sản xuất cám truyền thống để phục vụ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Lúc đó chúng ta không dùng cám công nghiệp nữa mà dùng cám truyền thống" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh
Về sản xuất sản phẩm theo chuỗi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tới đây sẽ có quy định, các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi, đồng thời cũng bắt buộc phải chế biến sản phẩm.
Làm thế nào có nông sản sạch?
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng Bộ Nông nghiệp và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp về đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng không rõ Bộ trưởng có nghĩ tới đất, nước ngầm bị ô nhiễm. Nếu việc này không được đánh giá đúng và xử lý thì có thể giải quyết tận gốc vấn đề an toàn thực phẩm không? Việt Nam có đủ trình độ xử lý ô nhiễm đất nông nghiệp không?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, “Muốn có nông sản sạch thì phải đi từ gốc, từ đất và nước”. Ông Cường cho rằng, hầu hết các con sông nội đô Thủ đô Hà Nội hiện đang bị ô nhiễm. "Chúng ta có diện tích đất canh tác tốt, nhưng thuỷ vực bị ô nhiễm thì cũng khó có sản phẩm sạch." - ông Cường nói. Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ NNPT&NT, việc này cần có sự vào cuộc của đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP Hà Nội thì mới có giải pháp căn cơ, chứ làm cắt khúc từng bộ sẽ không hiệu quả.
Khắc phục tàu vỏ thép hư hỏng thế nào?
Đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) đặt vấn đề, thời gian qua rất nhiều tàu vỏ thép của ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mới đóng xong, ra khơi được vài chuyến đã hư hỏng, nhiều tàu phải nằm bờ, để lại nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt nghiêm trọng là ảnh hưởng đến chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay cả nước có 235 cơ sở đủ điều kiện để thực hiện đóng tàu và đến giờ đã đóng được 666 tàu (vỏ sắt, gỗ, composit), trong đó có 297 tàu sắt công suất lớn, phục vụ vươn khơi. Theo các tỉnh báo cáo, nhìn chung các chuyến ra khơi đã phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn. Ngư dân ở Nam Định, Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu đều báo về là làm ăn có lãi khi có tàu mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận đã xuất hiện có tàu hư hỏng ở tỉnh Bình Định, Phú Yên. Trong đó, tỉnh Bình Định có 19 chiếc hỏng.
Ngay khi phát hiện, Bộ Nông nghiệp đã ra các văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại. Tỉnh Bình Định đã mời ngư dân và hai đơn vị đóng tàu để đối chất, làm rõ vấn đề.
“19 tàu hỏng ở Bình Định thuộc hai công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu. Bộ Nông nghiệp đã yêu cầu hai công ty này không được đóng mới nữa, nếu tàu hỏng máy thì phải thay máy mới, các tàu hỏng về sắt phải thay sắt đúng chất lượng. Tàu chưa sử dụng doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu lại, không để người dân nhận số tàu này”- Ông Cường nói.
"Địa phương cũng đã thành lập cơ quan thẩm định độc lập, cả chuyên gia độc lập, đánh giá xem 19 tàu hỏng hóc có nguyên nhân là gì. Đến nay địa phương cũng đã mời công an vào cuộc làm rõ và đang chờ kết quả điều tra" - Bộ trưởng Cường thông tin.
Người nông dân trông chờ gì vào Bộ trưởng?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. HCM) về tránh nhiệm của mình trước người nông dân, Bộ trưởng Cường cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào một mình Bộ trưởng thì rất khó.
"Phân công cho trưởng ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, nhưng một mình trưởng ngành không thể làm hết được. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị", ông Cường nói.
Không đồng tình với câu trả lời của người đứng đầu Bộ NNPT& NN, đại biểu Quyết Tâm nói, "Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân, hôm nay chất vấn Bộ trưởng, tôi muốn Bộ trưởng trả lời trách nhiệm của mình, chứ không phải hệ thống chính trị".
Bà Tâm cho biết, trong nhiều cuộc gặp gỡ với bà con nông dân, bà nhận thấy ứng xử của ngành với khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lúng túng. "Cái gì dễ thì chúng ta làm, nhưng cái khó nhất hiện nay là tổ chức sản xuất thì Bộ NNPT &NN và các Bộ khác lại chưa tập trung làm, chưa có giải pháp đột phá".

Theo nội dung chương trình làm việc, các ĐB Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường theo 3 nhóm vấn đề:

+Nhóm vấn đề thứ nhất: Giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp.

+Nhóm vấn đề thứ 2: Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản, gắn với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững.

+Nhóm vấn đề thứ 3: Công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dự kiến kéo dài từ đầu giờ buổi sáng đến hết 15 giờ chiều nay.