Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).
"Giải cứu thịt lợn" làm nóng chất vấn quốc hội
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu Bộ NN&PTNT quy hoạch ngành chăn nuôi với tổng đàn lợn năm 2015 là 32 triệu con. Nhưng năm 2015 mới đạt 27 triệu, 2016 mới đạt 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch mà thị trường đã dư thừa, giá cả xuống, thua lỗ nặng. Đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thứ nhất là tăng trưởng quá nhanh, riêng thịt đã tăng từ 3,4 lên 5,6 triệu tấn, sữa tăng 15 lần trong 10 năm qua.
Như vậy, nguyên nhân là do khối lượng khổng lồ tăng trong thời gian ngắn. Riêng về lợn tăng còn nhanh hơn nữa. Riêng về lợn, ngoài việc tăng đột biến thì “rổ thực phẩm” có sự thay đổi. Trước đây thịt lợn là thực phẩm chủ yếu nhưng nay có nhiều thứ khác, dẫn tới cung lớn hơn cầu.
Thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt, có tới 3 triệu hộ chăn nuôi, vẫn phải duy trì vì nông dân không chăn nuôi thì không biết làm gì. Nhưng cần phải co lại để tổ chức tốt hơn.
Hơn nữa, tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Cho đến lúc này khâu liên kết chỉ được 20%, còn lại là rất kém, các doanh nghiệp chế biến sâu rất ít. 90% là tiêu thụ theo kiểu truyền thống.
Hiện nay chỉ mới xuất khẩu được lợn sữa, mỗi năm 20 ngàn tấn, còn lợn thịt chủ yếu xuất qua Trung Quốc.
Mặt khác về tổ chức thị trường, chúng ta mới chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ lợn sữa, lợn thịt chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc...Như vậy có ba khâu sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường thì hai khâu sau rất yếu. Từ đây dẫn tới thịt lợn dồn ứ như vừa qua.
Tóm lại chúng ta mới chỉ làm được 1 phân khúc, còn 2 phân khúc khác chúng ta rất kém, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực này và đưa ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh bổ sung thêm, trong thời gian vừa qua, thị trường lợn đã có những những phát triển ấn tượng như Bộ trưởng Cường đã nêu, điều này cho thấy tiềm năng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể phát triển nếu làm tốt công tác thị trường.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đồng tình với Bộ trưởng Cường về vấn đề chưa làm tốt công tác thị trường. Muốn giải quyêt được khâu công tác thị trường, chúng ta phải giải quyết được 2 vấn đề: Thứ nhất là mở cửa thị trường về mặt thương mại, tức là giảm thuế xuất, thuế nhập khẩu. Hai la phải mở cửa thủ tục hành chính và hàng rào kỹ thuật.
Chúng ta đã thực hiện được việc mở cửa thị trường, như 12 hiệp định FTA, hạ thuế xuất xuống bằng 0… Nhưng còn hàng rào kỹ thuật thì chúng ta chưa đạt được những tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Ví dụ như xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, 2 bộ đã tiến hành xúc tiếp việc xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2016 và kéo sang năm 2017. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất để Trung quốc nhập lợn của Việt Nam, đầu tiên là vùng chăn nuôi lợn xuất khẩu sang Trung Quốc không có dịch lở mồm long móng. Vấn đề này Bộ Nông nghiệp đang làm việc với tổ chức y tế thế giới, bộ nông nghiệp Trung Quốc để làm việc, nhưng vẫ sẽ phải chờ quy trình, quy chế. Thông thường, một mặt hàng muốn xuất khẩu ra nước ngoài cần 2-3 năm mới có thể thành công.
Không phải mọt mặt hàng của chúng ta đều có ưu thế và lợi thế cạnh tranh. Như thịt lợn, có thể chúng ta cạnh tranh được với các nước xung quanh: Trung Quốc, Thái Lan, Đông Nam Á, nhưng với 10,6 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì giá thành thịt lợn còn cao hơn giá thành thịt lợn của Mỹ nhưng chất lượng không bằng… Chính vì vậy chúng ta phải đnáh giá cho đúng lợi thế cạnh tranh của minh. Nghĩa là vai trò quản lý nhà nước phải định hướng được quy hoạch, sản xuất để vượt qua được những rào cản kỹ thuật,… để phát triển bền vững.
Còn tạm nhập tái xuất đã được tổ chức thương mại thế giới quy định, Việt Nam phải tuân thủ, đặc biệt là tại biên giới với Trung quốc.
Như xuất, nhập khẩu qua biên giới với Trung Quốc, với mặt hàng thịt lợn, hầu hết là nội tạng, thịt chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Hơn nữa, mặt hàng này chiếm chưa tới 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của VIệt Nam, hoàn toàn không ảnh hưởng đến kim ngạch tiêu thụ thịt lợn sang Trung Quốc.
Đặc biệt, hơn 300.000 tấn lợn hơi xuất khẩu sang TQ trong năm 2016, đều qua ngạch tiểu ngạch, nghĩa là xuất khẩu qua biên giới không qua kiểm soát chính thức, vì vậy việc xuất khẩu này không bền vững.
Như vậy để phát triển bền vững, chúng ta phải tái cơ cấu lại nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và chăn nuôi lợn.
Theo nội dung chương trình làm việc, các ĐB Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường theo 3 nhóm vấn đề:
+Nhóm vấn đề thứ nhất: Giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp.
+Nhóm vấn đề thứ 2: Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản, gắn với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững.
+Nhóm vấn đề thứ 3: Công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dự kiến kéo dài từ đầu giờ buổi sáng đến hết 15 giờ chiều nay.