|
Thí sinh tỉnh Bình Thuận được sinh viên tình nguyện phát mền gối để vào KTX nghỉ miễn phí tại cụm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng sáng 29-6 - Ảnh: Như Hùng |
Hôm nay 30-6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ có mặt tại 38 cụm thi quốc gia và 61 cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì, bắt đầu làm thủ tục dự thi, trước khi bước vào những ngày thi chính thức từ 1 đến 4-7.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 29-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết đến nay các công việc chuyên môn kỹ thuật phục vụ kỳ thi ở tất cả cụm thi, điểm thi đã hoàn tất, đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Luận, đề thi và sao in đề thi đã xong, đảm bảo bí mật tuyệt đối, an toàn. “Chúng tôi đã làm tất cả công việc này với sự tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý và dư luận. Thầy cô giáo và cán bộ quản lý của các trường ĐH, THPT được phân công làm nhiệm vụ đã có tập huấn thống nhất phương án triển khai phối hợp. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ ngành giáo dục triển khai kỳ thi lần này...” - ông Luận nhấn mạnh.
“Lưu ý các điểm thi nhận đề thi 8 môn cùng lúc”
Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia ở cụm thi Đà Nẵng và Quảng Nam ngày 29-6.
Tại buổi làm việc, ông Ga đề nghị không để bất cứ thí sinh nào vì khó khăn mà không được dự thi, nhất là các thí sinh đồng bào dân tộc thiểu số, ở các nơi còn khó khăn.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện ban chỉ đạo cụm thi hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Ông Đinh Xuân Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, chủ tịch hội đồng coi thi cụm 25 do ĐH Vinh chủ trì - cho biết những nội dung mới trong công tác coi thi như vấn đề đình chỉ thi thì Bộ GD-ĐT có hướng dẫn khá muộn, nên tới sáng 29-6 hội đồng mới phổ biến được tới các phòng thi.
“Chúng tôi đặc biệt lo ngại về đính chính môn thi. Ví dụ như trường hợp các em bảo thi vật lý, nhưng trong dữ liệu các em đã đăng ký thi hóa học thì xử lý như thế nào? Nếu làm không khách quan, khẩn trương thì mất quyền lợi của thí sinh, làm tắc trách dễ bị khiếu kiện về sau” - ông Khoa băn khoăn.
Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, cho hay: “Trong ngày làm thủ tục, các sai sót đều có thể khắc phục được trừ môn thi bởi liên quan đến đề thi, sắp xếp phòng thi, số báo danh. Theo quy chế, ngày 24-6 là hạn chót để thí sinh xin điều chỉnh những nhầm lẫn trong đăng ký môn thi. Tuy nhiên, các hội đồng thi có thể căn cứ tình hình thực tế của mình để xử lý trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, lập biên bản cho thí sinh thi và báo cáo về ban chỉ đạo thi của bộ”.
Hà Nội: tất bật sửa sai sót
Ngày 29-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kiều Xuân Thực - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, đơn vị chủ trì một cụm thi quốc gia tại Hà Nội - cho biết dù đã nỗ lực điều chỉnh thông tin, chỉnh sửa những sai sót cho thí sinh, nhưng đến thời điểm này trường cũng không chắc đã sửa hết sai sót nếu thí sinh chưa phát hiện, chưa đề nghị điều chỉnh.
Ông Bùi Trần Anh Đào - trưởng phòng đào tạo Học viện Nông nghiệp VN - cho biết từ ngày 19 đến sáng 29-6 có hơn 100 thí sinh đến chỉnh sửa các sai sót trong hồ sơ, chủ yếu liên quan đến môn thi, chiếm khoảng 70% số trường hợp cần điều chỉnh.
Phần lớn là sai sót trong khâu nhập dữ liệu từ các sở GD-ĐT như: bị thiếu môn thi so với hồ sơ đăng ký dự thi gốc của thí sinh, bị nhầm lẫn môn thi.
Ngoài ra còn có một số trường hợp bị dán nhầm ảnh, sai sót về khu vực, đối tượng ưu tiên hay ngày sinh...
Học viện Nông nghiệp VN sẽ tạo mọi điều kiện cho thí sinh chỉnh sửa sai sót đến hết ngày 30-6. Hiện nay, trường đang tập trung in lại thẻ dự thi, bổ sung và xếp lại danh sách các phòng thi cho số thí sinh phải điều chỉnh thông tin sai sót.
Tại cụm thi do Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chủ trì có 6 trường hợp phải thay ảnh, 9 trường hợp phải điều chỉnh môn thi và 19 thí sinh đăng ký dự thi bổ sung để có cơ sở đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội mà trước đó các em đã qua vòng sơ tuyển.
Còn tại cụm thi do Trường ĐH Y dược Thái Bình chủ trì có thêm 37 thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường công an, quân đội đăng ký dự thi vào những ngày cuối cùng, 5 thí sinh phải điều chỉnh môn thi, 203 lượt thí sinh điều chỉnh thông tin ngày sinh, hộ khẩu, địa chỉ, chứng minh nhân dân...
Trong khi đó tại cụm thi do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, sai sót cần điều chỉnh nhiều nhất là nhầm ảnh dự thi. Nhiều thí sinh nam bị ghép nhầm ảnh thí sinh nữ và ngược lại, thậm chí một số trường hợp một ảnh được ghép trùng với 2 - 3 thí sinh.
Ngay sát ngày thi, hai cha con một thí sinh còn lặn lội từ Nam Định đến trường đề nghị sửa thông tin về ảnh dự thi khi nam thí sinh này bị dán nhầm ảnh... nữ thí sinh.
Theo ông Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thực tế những sai sót này thí sinh không cần đi lại xa xôi để xin điều chỉnh, chỉ cần báo qua điểm tiếp nhận hồ sơ.
TP.HCM: ngày 30-6 bắt đầu chỉnh sửa sai sót
Ngày 29-6, lượng thí sinh đến các điểm thi khá lớn, đa số nhờ hỗ trợ tìm nhà trọ, còn chỉnh sửa sai sót trên giấy báo thi rất ít. Nhiều trường ĐH trên địa bàn cho biết hôm nay các trường mới chỉnh sửa sai sót cho thí sinh.
Do đặc thù có các môn thi tự chọn nên tại nhiều phòng thi, thí sinh phải đổi phòng thi trong các buổi thi. Tuy nhiên, ghi nhận từ các điểm thi cho thấy các trường ĐH sắp xếp phòng thi theo tổ hợp môn thi thí sinh đăng ký để hạn chế thấp nhất việc thay đổi phòng thi của thí sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết do sắp theo tổ hợp đăng ký của thí sinh nên số thí sinh thay đổi phòng thi không nhiều. Tại trường, các môn bắt buộc như toán, văn, tiếng Anh thí sinh hầu như không thay đổi phòng thi, chỉ có môn tự chọn mới thay đổi. Tuy nhiên, phòng thi thay đổi cũng nằm trong một điểm thi, không nằm ở điểm thi khác.
Tương tự, đại diện các trường ĐH khác như Tôn Đức Thắng, Công nghiệp thực phẩm, Sài Gòn... cũng cho biết việc thay đổi phòng thi là điều bất khả kháng nhưng để tránh xáo trộn, phòng thi thay đổi cũng nằm trong một điểm thi để thuận lợi cho thí sinh.
TS Mỵ Giang Sơn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết tuy có đổi phòng thi nhưng mỗi phòng cũng đảm bảo gần 20 thí sinh. Nếu thí sinh chọn thi cả tám môn thì tối đa cũng chỉ đổi ba phòng thi.
590.000 thí sinh dự thi với hai mục đích Năm 2015 là năm đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức có hai mục đích: kết quả thi vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển ĐH, CĐ. Trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, có khoảng 279.000 thí sinh (chiếm khoảng 28% tổng số thí sinh) chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp THPT. Số thí sinh dự thi với hai mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ là hơn 590.000 thí sinh, số còn lại - hơn 132.000 thí sinh - chỉ đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. |
Sẽ xem xét nguyện vọng thí sinh từ “chỉ xét tốt nghiệp” sang “thi hai mục đích” Năm nay, có ba địa phương là TP.HCM, TP Đà Nẵng, Bình Dương không tổ chức cụm thi địa phương. Thí sinh tại các địa phương này dù chỉ có mục đích thi để xét tốt nghiệp THPT cũng sẽ thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT tiếp nhận được thông tin: một số thí sinh có nguyện vọng chuyển từ việc thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sang “thi hai mục đích” - vừa xét tốt nghiệp THPT vừa dùng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Trao đổi vớiTuổi Trẻ, ông Bùi Văn Ga cho biết trong quy chế đã quy định rõ sau ngày 30-4, thí sinh không được phép thay đổi mục đích dự thi của mình, và Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn kỹ cho thí sinh ở các cụm thi ĐH chủ trì là thí sinh có thể sử dụng kết quả thi với hai mục đích. Tuy nhiên trước nguyện vọng của nhiều thí sinh, trong ngày làm thủ tục dự thi 30-6, những thí sinh đã đăng ký chỉ xét tốt nghiệp THPT nhưng thi tại cụm thi do ĐH chủ trì, nếu có nguyện vọng thi để xét tuyển ĐH, CĐ có thể đề nghị chỉnh sửa thông tin như các thông tin cần chỉnh sửa khác. Từ đó, các cụm thi sẽ báo cáo về ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, để ban chỉ đạo xem xét nguyện vọng của các em và sẽ có quyết định chính thức sau kỳ thi. |
Ghi số báo danh trên phiếu thi trắc nghiệm: chỉ ghi 6 chữ số cuối Đây là lưu ý đặc biệt đối với thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay. Theo quy chế thi THPT quốc gia, số báo danh của thí sinh gồm phần chữ là mã số của hội đồng thi và phần số có 6 chữ số. Theo đó, cấu trúc số báo danh đối với hội đồng liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì gồm 3 ký tự đầu là chữ, 6 ký tự sau là số, do vậy dễ phân biệt cho thí sinh. Đối với các hội đồng thi tỉnh do sở GD-ĐT chủ trì, cấu trúc số báo danh gồm 3 ký tự đầu và 6 ký tự sau đều là chữ số, do đó số báo danh sẽ trở thành một số có 9 chữ số (tính cả chữ số 0 ở đầu). Đối với bài thi tự luận, số báo danh ghi đủ 9 ký tự đúng như trên thẻ dự thi, kể cả các chữ số 0 đứng đầu. Tuy nhiên, đối với bài thi trắc nghiệm, thí sinh sẽ phải ghi và tô phần số báo danh theo hướng dẫn đã ghi trên phiếu trắc nghiệm (mục 7 - theo mẫu giấy trắc nghiệm năm 2015) là 6 chữ số cuối (bên phải) của số báo danh in trên thẻ dự thi. |
Theo: Tuổi Trẻ