Trao đổi với TBKTSG Online trưa 24-4, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết bộ này đang nỗ lực hết sức để trong một tuần nữa có được kết luận cuối cùng về độc tố cực mạnh gây cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung hơn 10 ngày qua là chất gì để có giải pháp xử lý.
“Chúng tôi đang tích cực xác định rõ nguyên nhân và sớm có kết luận để bà con có thể nuôi cá trở lại cũng như tiêu thụ cá bình thường. Hiện các bộ ngành, các nhà khoa học đang tích cực vào cuộc tìm nguyên nhân, chúng tôi đang cố gắng sẽ có kết quả trong một tuần nữa”, ông Nhân thông tin.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong khi chưa có kết luận về nguyên nhân, ông Nhân lại loại trừ đường ống xả thải của Formosa, và cho rằng nghi vấn về đường ống xả thải của Formosa là không đúng. "Báo chí đăng có đường ống ngầm khổng lồ chảy ra biển từ dự án Formosa làm người dân lầm tưởng đường ống ngầm này gây ô nhiễm làm cá chết. Tôi đã xác minh thông tin này để dư luận biết không phải do đường ống ngầm này làm cá chết", ông Nhân nói.
“Về mặt pháp lý, đường ống của Formosa có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được bộ phê duyệt, đây là đường ống hợp pháp. Nhưng việc xả nước thải bên trong đường ống này là chất gì thì cơ quan chức năng phải kiểm soát, làm giám sát chặt. Về thiết kế, trước khi chảy vào đường ống này, nước thải phải được xử lý sạch, đúng theo quy chuẩn Việt Nam, mới được phép xả thải vào tự nhiên”, ông Nhân giải thích và nhắc lại trường hợp dự án Formosa này không giống như vụ xả nước thải lén qua đường ống ngầm ra sông Thị Vải của Công ty bột ngọt Vedan gần chục năm trước.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online tại sao không cấp phép đường ống nổi trên mặt đất để dễ quản lý, giám sát chất lượng nước thải thay vì chôn ngầm dưới biển, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm nước thải xả ra tự nhiên theo quy định phải trải qua quy trình mấy hồ xử lý sạch, được quan trắc tự động, lấy mẫu kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn rồi mới cho xả ra đường ống này trước khi ra biển, và cũng theo quy định, ngoài trạm quan trắc tự động 24 giờ mỗi ngày do chủ đầu tư bỏ tiền lắp đặt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phải kiểm soát định kỳ chất lượng nước thải.
“Chuyện xả nước thải ra biển được xử lý sạch là bình thường, không phải một nhà máy Formosa này mới có đường ống này, hiện nay có nhiều nhà máy xả ra biển như thế, trên phạm vi cả nước và các nước khác cũng thế. Đường ống dẫn thải ra biển càng xa càng tốt chứ không sao hết!”, ông Nhân thông tin.
Như vậy, sau gần 20 ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Bắc Trung bộ, đến nay tỉnh Hà Tĩnh bị thiệt hại hơn 37.200 con cá giống, 90.000 tôm giống, 20.000 ngao giống, ước tính khoảng 4,7 tỉ đồng. Còn tại tỉnh Quảng Trị có lượng cá chết khoảng 30 tấn, Thừa Thiên Huế cũng bị thiệt hại đáng kể.
Ngoài ngư dân và người nuôi thủy sản bị thiệt hại, ngành du lịch ở các địa phương nói trên cũng đang chịu nhiều tác động tiêu cực do tâm lý người dân không dám ăn hải sản, không dám đi tắm biển dù thời tiết nóng và mùa tắm biển đã bắt đầu.
Theo TBKTSG