Bộ, tỉnh phải lên kế hoạch cung cấp dữ liệu mở

Bộ TT&TT vừa hướng dẫn bộ, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ thực thi Nghị định 47 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số. Trong đó, có nội dung về xây dựng kế hoạch và triển khai cung cấp dữ liệu mở.

Xây quy chế về khai thác, sử dụng dữ liệu


Cùng với Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Nghị định 47 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước cũng là một văn bản pháp lý quan trọng đã được Bộ TT&TT tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý II/2020.

Thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 17 Nghị định 47, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan cấp bộ, cấp tỉnh tổ chức triển khai rà soát và xây dựng danh mục dữ liệu mở của cơ quan mình (Ảnh minh họa)
Thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 17 Nghị định 47, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan cấp bộ, cấp tỉnh tổ chức triển khai rà soát và xây dựng danh mục dữ liệu mở của cơ quan mình (Ảnh minh họa)

Được nhận định là một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Nghị định 47 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2020 quy định các nội dung về: quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước.

Để triển khai thực thi Nghị định 47, Bộ TT&TT vừa chính thức đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai một số nội dung công việc về: ban hành danh mục các cơ sở dữ liệu quốc gia và danh mục cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; chỉ định cán bộ làm đầu mối phụ trách kết nối và chia sẻ dữ liệu; rà soát cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đã và đang thực hiện bảo đảm tuân thủ quy định phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu; xây dựng kế hoạch và triển khai cung cấp dữ liệu mở; tổ chức và thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu…

Trong đó, về quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu chia sẻ, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát cập nhật các quy chế dữ liệu hiện có để đảm bảo phù hợp các nội dung quy định của Nghị định. Thời điểm xây dựng và ban hành quy chế phù hợp với tiến độ triển khai các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đã và đang triển khai.

Cơ quan quản lý dữ liệu xây dựng quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu chia sẻ có thể ban hành quy chế chung hoặc riêng cho từng nhóm chủ đề dữ liệu hoặc cơ sở dữ liệu nhưng phải bảo đảm sự thống nhất về mặt khai thác, sử dụng đối với loại dữ liệu sử dụng trong phạm vi của mình.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, một số yêu cầu đối với quy chế như: phải chỉ rõ thời hạn sử dụng dữ liệu chia sẻ đối với từng loại dữ liệu, từng phương thức chia sẻ dữ liệu; các trường hợp khai thác, sử dụng dữ liệu và phạm vi dữ liệu được khai thác, sử dụng gắn với các trường hợp đó; phải chỉ rõ dữ liệu, dịch vụ dữ liệu yêu cầu hoặc không yêu cầu tài khoản xác thực để khai thác dữ liệu.

Cùng với đó, quy chế cũng phải đáp ứng các yêu cầu: thời gian lưu trữ nhật ký khi cung cấp dữ liệu và khai thác dữ liệu theo quy định tại Điều 45 của Nghị định; quy trình thực hiện, các hoạt động phải tuân thủ và phương án xử lý vi phạm; trách nhiệm, nghĩa vụ khi khai thác, sử dụng dữ liệu phù hợp với các quy định của pháp luật; cùng các nội dung cần thiết khác phù hợp với việc quản lý chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu theo thực tế.

Thiết lập nền tảng cho Chính phủ mở

 
Chính phủ mở là một nấc phát triển của Chính phủ điện tử, khi Chính phủ cung cấp dữ liệu cho cộng đồng để thực hiện chủ trương “Nhà nước kiến tạo phát triển”. Với Nghị định 47, lần đầu tiên có một văn bản pháp lý đưa nội dung “Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước” đánh dấu một mốc quan trọng để thực thi chủ trương này; đồng thời thể hiện sự tích cực của Việt Nam khi sẵn sàng cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.

“Quy định pháp lý về dữ liệu mở cũng là một nội dung khá mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước trên thế giới khi công bố dữ liệu mở của các nước chủ yếu được triển khai dưới dạng sáng kiến”, đại diện Cục Tin học hóa cho biết.

Với nội dung về dữ liệu mở, trong hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát lại dữ liệu của mình đã được đăng tải trên Cổng/trang thông tin điện tử và các hình thức cung cấp rộng rãi trên Internet và xác định sự phân loại đối với dữ liệu.

Theo đó, nếu dữ liệu đã đăng tải phù hợp với quy định về dữ liệu mở tại Mục 3 Chương II của Nghị định 47 thì thông báo rõ cho người sử dụng là dữ liệu mở và việc sử dụng dữ liệu mở tuân thủ quy định tại Điều 18 của Nghị định. Nếu dữ liệu là hình thức công bố thông tin rộng rãi của cơ quan nhà nước và không thuộc hạng mục dữ liệu mở cần thể hiện rõ để người sử dụng biết và khai thác phù hợp.

Đối với việc xây dựng kế hoạch và triển khai cung cấp dữ liệu mở, theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 17 Nghị định 47, các cơ quan cấp bộ, cấp tỉnh tổ chức triển khai rà soát và xây dựng danh mục dữ liệu mở của cơ quan mình.

Trước mắt, căn cứ và tình hình thực tế, các cơ quan cân nhắc mở một số loại dữ liệu gồm: dữ liệu hiện tại đã được cung cấp dưới dạng thông tin công khai rộng rãi dưới dạng văn bản; các loại dữ liệu thống kê, dữ liệu dùng chung, dữ liệu đã được thông tin rộng rãi trên các trang/cổng thông tin điện tử; dữ liêu về quan trắc, dữ liệu IoT đã được thu thập phản ánh về các hoạt động công cộng, hạ tầng công cộng; các loại dữ liệu khác không vi phạm các quy định của pháp luật và phù hợp với các quy định tại Điều 20 của Nghị định.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị xây dựng và ban hành kế hoạch cung cấp dữ liệu mở trong phạm vi cơ quan mình. Phấn đấu mỗi đơn vị trực thuộc cung cấp và duy trì cung cấp ít nhất một bộ dữ liệu mở.

Đồng thời, giao đầu mối phụ trách kết nối và chia sẻ dữ liệu của bộ, tỉnh mình có trách nhiệm đôn đốc, thực thi kế hoạch; tập hợp dữ liệu và đăng tải dữ liệu mở trên Cổng dữ liệu quốc gia.

Theo ICTNews