Bộ Thương mại Mỹ trừng phạt 7 công ty siêu máy tính Trung Quốc vì giúp PLA hiện đại hóa quân đội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày càng có thêm các động thái cho thấy chính phủ của Tổng thống Joe Biden tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực chống đánh cắp công nghệ.
Bộ Thương mại Mỹ quyết định trừng phạt 7 công ty siêu máy tính Trung Quốc do giúp PLA hiện đại hóa quân đội và chế tạo vũ khí siêu thanh...(Ảnh: Đông Phương).
Bộ Thương mại Mỹ quyết định trừng phạt 7 công ty siêu máy tính Trung Quốc do giúp PLA hiện đại hóa quân đội và chế tạo vũ khí siêu thanh...(Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phươpng (Dongfang), Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Năm (8/4) đã tuyên bố đưa bảy công ty siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách các thực thể bị kiểm soát xuất khẩu (Entity List), cáo buộc họ tham gia vào các hoạt động vi phạm lợi ích an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố rằng siêu máy tính cực kì quan trọng đối với sự phát triển của vũ khí siêu thanh và vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ làm mọi việc trong khả năng của mình để ngăn cảnTrung Quốc sử dụng công nghệ của Mỹ để hỗ trợ những thành tựu hiện đại hóa quân đội gây mất ổn định.

Thông báo trừng phạt đăng trên website của Bộ Thương mại Mỹ.

Thông báo trừng phạt đăng trên website của Bộ Thương mại Mỹ.

Bảy công ty, tổ chức có trong danh sách các đơn vị bị kiểm soát xuất khẩu của Mỹ (Entity List) gồm: Công ty TNHH Công nghệ Thông tin Phi Đằng Thiên Tân (Tianjin Phytium Information Technology); Trung tâm thiết kế công nghệ vi mạch hiệu suất cao Thượng Hải (Shanghai High-Performance Circuit Design Center); Công ty TNHH Vi điện tử Sunway Thâm Quyến (Sunway Microelectronics); Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Thâm Quyến (The National Supercomputing Center Shenzhen); Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Tế Nam (The National Supercomputing Center Jinan); Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Vô Tích (The National Supercomputing Center Wuxi) và Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Trịnh Châu (The National Supercomputing Center Zhengzhou).

Các tổ chức, công ty nêu trên trong tương lai phải có giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ, nếu không sẽ không thể có được công nghệ của Mỹ.

Tờ Washington Post của Mỹ đưa tin, Công ty Phi Đằng Thiên Tân (Tianjin Phytium) đã có được chip để điều khiển siêu máy tính qua “khu vực màu xám” (mua bán không chính đáng). Các chip này do TSMC Đài Loan sản xuất và áp dụng công nghệ của Mỹ. TSMC trả lời rằng họ đã tuân thủ các kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và nhấn mạnh rằng các sản phẩm này không được sử dụng cho mục đích quân sự . Siêu máy tính có thể mô phỏng chính xác nhiệt lượng và sức cản của vũ khí siêu thanh, đe dọa các hạm tàu Hải quân Mỹ.

Bộ trương Thương mại Mỹ Gina M. Raymondo giải thích về việc trừng phạt 7 công ty, tổ chức siêu máy tính Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Bộ trương Thương mại Mỹ Gina M. Raymondo giải thích về việc trừng phạt 7 công ty, tổ chức siêu máy tính Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Tianjin Phytium Information Technology bề ngoài tuyên bố là một công ty thương mại dân sự với hy vọng sẽ trở thành một người khổng lồ chip toàn cầu như Intel tại Mỹ. Nhưng công ty này đã che giấu mối quan hệ thân thiết với quân đội Trung Quốc và thiết kế những con chip cần thiết để quân đội Trung Quốc phát triển vũ khí.

Washington Post cho biết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc cũng có hai thân phận tương tự. Bề ngoài đây là một công ty thương mại bình thường nhưng thực chất là một đơn vị cấp quân đội trực thuộc Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc, người phụ trách là một Thiếu tướng PLA. Công ty này chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc phát triển và thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Trung Quốc.

VOA ngày 9/4 đưa tin, thông cáo báo chí của Bộ Thương mại Mỹ cho biết các thực thể này “đã tham gia vào việc sản xuất siêu máy tính cho các đơn vị quân đội Trung Quốc sử dụng, tham gia vào các dự án hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và các dự án vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Bà Gina M. Raymondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố: "Khả năng siêu máy tính là cực kì quan trọng đối với nhiều người, hoặc đối với tất cả các loại vũ khí hiện đại và hệ thống an ninh quốc gia, chẳng hạn như việc phát triển vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh. Bộ Thương mại sẽ làm hết sức để ngăn chặn Trung Quốc lợi dụng công nghệ của Mỹ để thúc đẩy hiện đại hóa quân đội gây mất ổn định".

Các tổ chức, công ty nằm trong danh sách trừng phạt nếu muốn mua hàng hóa bị cấm từ các nhà cung cấp của Mỹ thì phải nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ để xin giấy phép và trải qua quá trình xem xét nghiêm ngặt.

Siêu máy tính Thiên Hà của Trung Quốc từng là máy tính nhanh nhất thế giới năm 2010 (Ảnh: RFI).

Siêu máy tính Thiên Hà của Trung Quốc từng là máy tính nhanh nhất thế giới năm 2010 (Ảnh: RFI).

"Shenwei - Light of Taihu Lake" (Thần Uy – Ánh sáng Thái Hồ) do Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Vô Tích đưa ra vào năm 2016 đã từng là siêu máy tính nhanh nhất thế giới vào thời điểm đó. Theo danh sách xếp hạng siêu máy tính toàn cầu năm 2020, hiện nó đang đứng thứ 4 sau các siêu máy tính được phát triển ở Nhật Bản và Mỹ. Trước đó, vào ngày 31/89/2010, Trung tâm siêu máy tính Thiên Tân cũng từng tuyên bố chế tạo được siêu máy tính Thiên Hà “nhanh nhất thế giới” khi đó.

Trung Quốc có một số lượng lớn siêu máy tính, có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm điều khiển thông tin từ xa, nghiên cứu khí hậu, nghiên cứu phát triển công trình và quân sự.

Reuters cho biết, quyết định của Bộ Thương mại Mỹ sẽ có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày thông báo. Tuy nhiên, các thủ tục thu mua đã hoàn tất và các sản phẩm bị cấm đang trong giai đoạn giao hàng sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định này.

Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể, bao gồm cả Huawei và SMIC.