|
Ảnh minh họa, nguồn Vov. |
Giải thích thông tin trên, Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Tổ soạn thảo của Bộ đang tiến hành xây dựng Dự thảo quy chuẩn sửa đổi QCVN 51:2013/BTNMT theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.
Theo đó, Ôxy tham chiếu là thông số trong công thức tính toán nồng độ phát thải các thông số môi trường trong khí thải do từng quốc gia quy định, không phải là hàm lượng Ôxy dư đo được thực tế trong ống khói.
Trên thế giới, khi đốt (thiêu kết nguyên liện rắn) nồng độ ô xy tham chiếu thường được quy định: từ 6-11% (đối với các nước EU và Mỹ), 15% (Nhật Bản, Hàn Quốc),... và nó phụ thuộc vào loại nhiên liệu đốt và công nghệ đốt.
Quá trình thiêu kết quặng là quá trình đốt hở ở nhiệt độ thấp (khác với đốt trong lò kín), nên các nước đều có quy định riêng nồng độ Ôxy tham chiếu cho công đoạn này.
Ở Việt Nam quy định nồng độ Ôxy tham chiếu cho tất cả các loại lò đốt, công nghệ đốt, nhiên liệu đốt là 7%. Tuy nhiên, tuỳ theo công nghệ, trình độ phát triển và yêu cầu bảo vệ môi trường của các nước, nồng độ phát thải các thông số ô nhiễm (như SO2, NOx,...) sẽ được quy định khác nhau.
Tổ soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất các nội dung sửa đổi Quy chuẩn, trong đó có xem xét đến các yếu tố công nghệ của các nhà máy đã đầu tư trước đây và các nhà máy mới để đảm bảo việc đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thép gắn với bảo vệ môi trường. Việc thay đổi tiêu chuẩn đã được tham vấn, lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Cụ thể, Dự thảo Quy chuẩn hiện nay đề xuất áp dụng là 15% cho công đoạn thiêu kết tương tự như quy định của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời xem xét giảm nồng độ tối đa cho phép đối với một số thông số ô nhiễm (SO2, NOx) trong khí thải sản xuất thép, phù hợp với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc rà soát, điều chỉnh QCVN 51:2013/BTNMT được thực hiện theo hướng quy định chặt chẽ hơn, phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất thép của Việt Nam và hội nhập quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam; không phải để hợp thức hóa cho Formosa.