Trước đó, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã đề xuất áp khung thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng dầu lên đến 8.000 đồng/lít, trong khi mức hiện đang áp dụng là 3.000 đồng/lít và mức tối đa trong khung thuế quy định là 4.000 đồng/lít.
Tất nhiên, tăng suất thuế bất kỳ đánh vào xăng dầu sẽ vấp phải phản ứng "dội lại" từ xã hội và doanh nghiệp. Trong đó, gần như chắc chắn việc tăng thuế sẽ trở thành lý do chính "neo" giá xăng dầu ở mức cao. Và khi giá xăng dầu ở mức cao, thì giá các sản phẩm, dịch vụ khác chịu chi phối của giá xăng dầu cũng chịu tác động phải giữ giá, hoặc tăng giá cho phù hợp với chi phí xăng dầu, nhiên liệu.
Tuy nhiên, Bộ tài chính lại có quan điểm ngược lại. Cụ thể, theo ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định, khi thực hiện các điều ước, hiệp định quốc tế Việt nam đã tham gia, thuế nhập khẩu sẽ về còn 0-5%, từ đó kéo giá xăng dầu giảm theo.
Do vậy, cần có biện pháp đảm bảo giá xăng dầu trong nước không thấp hơn các nước xung quanh, ngăn chặn việc buôn lậu xăng dầu. Và tăng khung thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng xăng dầu chính là một trong những biện pháp đó.
Mặt khác, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường tuy không trực tiếp chi cho môi trường, nhưng hòa vào ngân sách nhà nước để chi cho nhiều nhiệm vụ khác, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, theo ông Liêm, đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu mới chỉ đang trong giai đoạn xin ý kiến. Sau khi có khung, mức tăng cụ thể như thế nào sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Có thể thấy giải thích của ông Liên không thực sự thuyết phục.
Thực tế, việc tăng thuế đánh vào các mặt hàng xăng dầu chỉ càng khuyến khích buôn lậu xăng dầu. Lý do vì càng tạo thêm chênh lệch giữa giá nhập khẩu với giá bán lẻ.
Cụ thể, trong trường hợp thuế được áp "kịch khung" theo đề xuất là 8.000 đồng/lít, thì chi phí thuế phí trong giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu tại Việt Nam sẽ lên tới trên dưới 14.000 đồng.
Bản chất việc buôn lậu xăng dầu không thực hiện trên giá cơ sở (giá nhập khẩu hoặc giá thành sản xuất trong nước), mà là buôn lậu chiếm hưởng nguồn lợi nhuận có được từ trốn các loại thuế phí đánh vào giá xăng dầu.
Việc buôn lậu xăng dầu cũng không phải chỉ diễn ra theo hướng từ trong nước ra nước ngoài, mà còn theo chiều từ nước ngoài về Việt Nam và buôn lậu xăng dầu ngay trong thị trường nội địa.
Từ đây sẽ thấy, việc tăng thuế phí áp với các mặt hàng xăng dầu thực tế chỉ càng kéo chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ doãng rộng, và từ đó càng khuyến khích các hình thức buôn lậu xăng dầu.
Do đó cũng có thể nói, đề nghị tăng khung thuế bảo vệ môi trường áp vào mặt hàng xăng dầu chỉ tăng thêm nguồn thu cho nhà nước, và đồng thời cũng kéo sẽ theo khuyến khích các hành vi buôn lậu xăng dầu.
Một thị trường xăng dầu bất trắc và rối loạn liệu có là mục đích của các nhà quản lý ?