Bộ Tài chính: Sẽ cùng Bộ Công Thương xem xét biểu giá điện

Từ góc độ cơ quan quản lý giá, đại diện Bộ Tài chính cho hay, nếu có sai sót về mặt kỹ thuật thì ngành điện phải kiểm tra. Còn nếu bất hợp lý về nấc thang tính giá điện thì chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu.
Không ít người tiêu dùng “toát mồ hôi” hay thậm chí “ngã ngửa” khi cầm hoá đơn tiền điện tháng 5 từ nhà đèn.

Hàng năm, thời điểm tháng 5, 6 là những tháng cao điểm nắng nóng với nền nhiệt lên tới 38-40 độ C, do đó, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt là các thiết bị làm mát như tủ lạnh, điều hoà. Vào những tháng này, không ít người tiêu dùng “toát mồ hôi” hay thậm chí “ngã ngửa” khi cầm hoá đơn tiền điện từ nhà đèn.

Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua, nhiều người phản ánh giá điện “bỗng nhiên” tăng vọt, cao gấp đôi, thậm chí gấp 2-3 lần so với tháng trước đó. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân tăng là do giá điện tăng 7,5% từ 16/3, do nhu cầu sử dụng tăng và cũng có ý kiến “nghi ngờ” do cách tính tiền điện kiểu luỹ kế bậc thang của ngành điện.

Trao đổi về vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính diễn ra chiều nay (30/6), bà Nguyễn Thị Thuý Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho hay: "Về giá điện, thẩm quyền thuộc Bộ Công thương - cơ quan quản lý về giá điện. Việc quy định giá điện hiện nay theo nguyên tắc dùng càng nhiều thì giá càng cao, tương tự như giá nước và các mặt hàng khác có yêu cầu sử dụng tiết kiệm”.

Theo bà Nga, hoá đơn tiền điện thời gian qua tăng cao có thể do nắng nóng, người dân sử dụng nhiều thiệt bị điện. 

“Chắc chắn là những năm trước đã có phản ánh như vậy, ngành điện cũng đã trả lời. Nếu có sai sót về mặt kỹ thuật thì ngành điện phải kiểm tra. Còn nếu bất hợp lý về nấc thang tính giá điện thì chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu”, đại diện Bộ Tài chính cho hay. 

Hiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành chi làm 6 bậc thang. Trong đó: Bậc 1 cho từ 0-50 kWh giá 1.484 đồng/kWh, bậc 2 từ 51-100 kWh là 1.533 đồng/ kWh, bậc 3 từ 101-200 kWh là 1.786 đồng/ kWh, bậc 4 từ 201-300 kWh là 2.242 đồng/ kWh, bậc 5 từ 301-400 kWh là 2.503 đồng/ kWh, bậc 6 từ 401 kWh trở lên giá 2.587 đồng/ kWh.

Theo phản ánh của một số chuyên gia, mức luỹ tiến hiện nay của EVN là quá cao, từ kWh 401 trở lên người dân sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh, khiến chỉ số điện năng có thể tăng gấp đôi nhưng số tiền điện người dân phải trả có thể tăng gấp 3, thậm chí 4 lần.

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam còn cho rằng, cách tính giá điện như ở Việt Nam hiện không giống như các quốc gia khác, cách tính này chỉ áp dụng cho các nước đang thiếu điện.

Ông Long cũng cho rằng, hiện nay giá điện đang được tính theo bậc thang đã được Chính phủ quy định do đó cần có thời gian xem xét lại, khó có thể sửa đổi được ngay.

Theo Dân trí