Trong một thông cáo chính thức phát đi mới đây, Bộ Tài chính một lần nữa khẳng định quan điểm sẽ đòi số cổ tức hàng nghìn tỷ đồng cho phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng việc ban hành văn bản trước đó gửi Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại BIDV, VietinBank biểu quyết trả cổ tức bằng tiền mặt là "đúng chức năng, nhiệm vụ" trong việc yêu cầu các ngân hàng phải chấp hành đúng chính sách pháp luật của Nhà nước.
Cơ quan này dẫn lại quy định tại khoản 5 điều 23 Nghị định 57/2012 cho thấy, với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông”.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính khẳng định cả VietinBank và BIDV cũng như những người đại diện vốn Nhà nước tại hai đơn vị này đã không xin ý kiến Bộ Tài chính trước khi tiến hành đại hội cổ đông thường niên, biểu quyết phương án chia cổ tức. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc này là "không đúng quy định".
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, vốn Nhà nước tại hai nhà băng này được giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý. Do đó, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước cũng rất quan trọng và một nguồn tin cho biết, trước khi đại hội cổ đông, các ngân hàng đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.
Về phần mình, đại diện Ngân hàng Nhà nước - Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, sẽ cân nhắc sự thuận lợi khi chuyển cổ tức cho ngân sách cũng như khó khăn của các ngân hàng để đề xuất phương án phù hợp.
Theo tính toán của Công ty chứng khoán TP HCM, nếu hai ngân hàng trả cổ tức tiền mặt, ngân sách sẽ thu về 4.600 tỷ đồng tiền mặt. Tuy nhiên, theo công ty này, việc này sẽ đặt cả hai ngân hàng vào tình huống khó nếu xét về tỷ lệ an toàn vốn. HSC tính toán, nếu chi cổ tức bằng tiền cho ngân sách, đồng thời hai nhà băng cũng phải trả cho các cổ đông nói chung. Như vậy, điều này sẽ làm suy giảm tỷ lệ CAR của mỗi ngân hàng từ 0,3% đến 0,4%. "Việc tăng thêm vốn cấp 1 sẽ trở thành vấn đề thực sự cấp bách nếu các ngân hàng muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay", HSC nói.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết việc này sẽ phải xin ý kiến Thủ tướng.
Theo VnExpress