|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo nội dung công văn, để triển khai Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với một số đơn vị chuyên môn thuộc các bộ tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) với hàng hóa XNK.
Đối chiếu yêu cầu tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Quyết định 2016/QĐ-TTg, văn bản phúc đáp của các bộ, ngành và kết quả rà soát của Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan về các văn bản pháp luật liên quan, Bộ Tài chính đã tổng hợp 76 nhóm văn bản kiến nghị các bộ sửa đổi, bổ sung.
Trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 28 văn bản, Bộ Công Thương có 12 văn bản, Bộ Y tế có 9 văn bản, Bộ Giao thông vận tải có 7 văn bản, Bộ Khoa học và Công nghệ có 6 văn bản.
Bộ Xây dựng có 4 văn bản, Bộ Thông tin và Truyền thông có 3 văn bản, các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng đều có 2 văn bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 1 văn bản.
Bộ Tài chính được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì trong việc nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu theo Quyết định 2026 ban hành ngày 27/11/2015.
Trước đó, hồi tháng 8/2016, Bộ Tài chính cũng đã phải có văn bản đề nghị các bộ ngành tiếp tục sửa đổi, bổ sung hơn 70 văn bản về quản lý chuyên ngành.
Tại văn bản gửi các bộ, ngành, Bộ Tài chính cũng cho biết hiện 10 địa điểm KTCN tập trung tại 8 Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK.
Địa điểm KTCN là nơi thuận tiện để cơ quan KTCN và DN thực hiện các khâu: Đăng ký kiểm tra, lấy mẫu và trả kết quả kiểm tra, DN gặp gỡ, trao đổi giải quyết các vướng mắc của DN; là cầu nối để DN XNK gặp cơ quan KTCN được dễ dàng, hạn chế đi lại nhiều.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính cũng đề nghị duy trì hoạt động của 10 điểm KTCN tập chung của Hệ thống một cửa quốc gia nhằm KTCN tập trung, nhanh gọn cho DN.
Khi 10 điểm KTCN hoạt động, đề nghị bãi bỏ các địa điểm kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ban ngành hoạt động kém hiệu quả, lãng phí và phát sinh thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Trên thực tế, hoạt động kiểm tra chuyên ngành là thủ tục hành chính được thực hiện bởi các bộ, ban ngành đối với hàng hóa trong lĩnh vực quản lý riêng. Việc này đã và đang được thực hiện góp phần quản lý chuyên môn về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu hoặc xuất khẩu...
Tuy nhiên, quy định KTCN hiện cũng phát sinh nhiều vấn đề trong đó là tăng thời gian thông quan, lưu kho bãi của nhiều hàng hóa không nhất thiết phải KTCN. Nhiều quy định KTCN chồng chéo với quy định kiểm tra của các cơ quan hải quan, quản lý xuất nhập khẩu dẫn đến kiểm tra nhiều lần. Hiện tượng tiền kiểm phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, tạo cơ chế xin cho, cản trở chủ trương giảm thời gian thông quan hải quan, chi phí cho DN của Chính phủ - một trong những tiêu chí để cải thiện năng lực sản xuất và môi trường kinh doanh.