Đây là ý kiến trả lời của đại diện Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho đề án Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam).
Cụ thể, về thuế thu nhập doanh nghiệp, đề án đưa ra ý kiến miễn thuế trong 4 năm đầu, áp thuế 5% trong 10 năm tiếp theo và 10% trong 6 năm tiếp theo. Ngoài ra, cơ quan xây dựng đề án cũng đề xuất áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% thêm 10 năm với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngành công nghiệp ôtô, máy móc phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp có quy mô vốn trên 2.000 tỷ đồng hoặc thu hút trên 4.000 lao động.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành tài chính, nội dung ưu đãi trên là không phù hợp với quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại và vượt quá thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định hiện tại, doanh nghiệp có dự án đầu tư mới tại khu kinh tế và một số dự án thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Mặt khác, chỉ những doanh nghiệp có quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng, doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau 5 năm từ khi có doanh thu hoặc sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động và nhiều yêu cầu khác mới được xem xét ưu đãi thuế thêm không quá 15 năm.
Về thuế thu nhập cá nhân, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đánh giá ý kiến giảm 70% trong 5 năm đầu và giảm 50% các năm tiếp theo với các đối tượng làm việc tại khu kinh tế trong đề án là "chưa phù hợp."
Đại diện ngành tài chính cho rằng, việc giảm thuế chỉ áp dụng với đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh hiểm nghèo và ảnh hưởng tới khả năng nộp thuế.
Đánh giá tương tự cũng được đại diện Bộ Tài chính đưa ra với ý kiến miễn thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ôtô, sản phẩm phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp hoàn chỉnh khi mua các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Những sản phẩm này như que hàn, bu lông, ốc vít, vòng bi,... hiện đang áp thuế giá trị gia tăng là 10% và quy định này thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Ngoài ưu đãi thuế, những nội dung ưu đãi về hải quan cũng được Bộ Tài chính đánh giá là chưa phù hợp.
Theo đề án, giai đoạn thông quan, doanh nghiệp trong khu kinh tế sẽ được miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, không phải đăng ký với cơ quan hải quan định mức tiêu hao nguyên vật liệu, không phải nộp báo cáo thanh khoản với cơ quan chức năng.
Tuy vậy, theo đại diện ngành tài chính, việc kiểm tra hồ sơ, hàng hóa hiện đang thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Việc miễn kiểm tra trên chỉ áp dụng với doanh nghiệp ưu tiên được Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận./.
Theo TTXVN