|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, Hiệp hội Taxi TP. HCM đã kiến nghị Bộ Tài chính cho doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn đối với Uber, Grab hoặc cho taxi truyền thống nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay.
Chiều 3/4, Bộ Tài chính cho hay, ý kiến trên là chưa có cơ sở. Tuy nhiên, Bộ này cũng đang chỉ đạo rà soát trường họp có dấu hiệu rủi ro gian lận về thuế, cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế GTGT, doanh nghiệp kinh doanh vận tải (trong đó có vận tải taxi) nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu là 3%, thuế GTGT của các chi phí đầu vào (như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua sắm tài sản cô định...) không được khấu trừ.
Nếu doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp áp dụng thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ vận tải là 10%, thuế GTGT phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ thuế GTGT đầu vào, được khấu trừ thuế GTGT của các chi phí đầu vào (như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua tài sản cố định...).
Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, thuế suất thuế GTGT dần được quy về áp dụng thống nhất 10%, thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa thiết yếu và thuế suất 0% áp dụng đối với hàng xuất khẩu.
Vì vậy, Bộ Tài chính khẳng định, kiến nghị “cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5%” là không có cơ sở.
Về xác định thuế đối với Grab, Uber, Bộ Tài chính khẳng định việc xác định doanh thu tính thuế của Uber và Grab là phù hợp với quy định của pháp luật về thuế hiện hành. Toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải đều phải kê khai, nộp thuế.
Đối với từng tố chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu có nghĩa vụ nộp thuế trên phần doanh thu được chia theo thỏa thuận hợp tác.
Bộ Tài chính khẳng định, nếu xác định doanh thu tính thuế của Uber, Grab là 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng sẽ dẫn đến việc đánh thuế trùng và không hợp lý, vì trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức, cá nhân này phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng.
Câu chuyện Bộ Giao thông vận tải tuýt còi hoạt động của Uber trong thời gian vừa qua đã dấy lên những tranh cãi về nền kinh tế số đang bùng nổ với rất nhiều hình thái kinh doanh mới mẻ, trí tuệ và sáng tạo. Những hình thái kinh doanh đó đang mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho cộng đồng người tiêu dùng, tuy nhiên, lại đặt ra rất nhiều bài toán thách thức cho các nhà quản lý, đặc biệt trong câu chuyện thu thuế hay vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia.