Thông tin này được công bố tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Quốc phòng, vừa diễn ra hôm nay (10/3).
Cùng với số trang thiết bị, vật tư, hóa chất trên, thời gian tới, Bộ Quốc phòng tiếp tục tạo nguồn trang bị cho Cục Quân y các trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ khi cấp độ dịch tăng lên.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng - yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần dành thời gian ngoài thời gian huấn luyện để tổng dọn vệ sinh doanh trại; bổ sung thời gian huấn luyện 2 giờ/tuần về phòng, chống COVID-19.
Cùng với đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên trong phòng, chống COVID-19, tuyệt đối không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh song cũng không lo lắng, hoang mang; kết hợp tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 với phòng, chống virus “trì trệ” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Toàn cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng. Ảnh: BQP.
|
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu Cần), Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo - với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã chủ động tham gia, tích cực phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan vào Quân đội; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng tích cực phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong cả nước.
Hiện nay quân đội có 20/45 đội phản ứng nhanh quốc gia. Bộ đội Biên phòng là lực lượng đầu tiên tham gia tại các cửa khẩu và đường mòn, lối mở để chốt chặn biên giới, tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chống dịch. Quân đội là lực lượng chủ yếu, đi đầu trong tiếp nhận, cách ly, chăm sóc công dân từ quốc gia có dịch về nước…
Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm dịch COVID-19 thứ 17 tại Hà Nội, Cục Quân y đã có điện khẩn chỉ đạo quân y các đơn vị tham mưu với cấp ủy, người chỉ huy rà soát, thống kê, tổ chức cách ly các đối tượng có tiếp xúc gần hoặc các diện tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc (F1, F2, F3, F4) để phòng, chống lây nhiễm và sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân.