Theo nội dung báo cáo, Bộ NN&PTNT cho biết đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, đảm bảo được kế hoạch sản xuất lúa năm 2020. Dự kiến kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó, vụ đông xuân sản lượng ước đạt trên 20 triệu tấn thóc và sẽ kết thúc thu hoạch trước 30/6/2020.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện trong kho của các doanh nghiệp đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu hạt giống lúa cho các vụ còn lại trong năm. Như thường lệ, 50% lượng giống còn lại sẽ được các doanh nghiệp sử dụng từ nguồn giống do chuyển vụ từ thu hoạch vụ đông xuân 2019-2020 để cung ứng kịp thời cho sản xuất của vụ tiếp theo. Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cùng các doanh nghiệp cam kết đảm bảo số lượng cũng như chất lượng hạt giống lúa các loại, tổng lượng hạt giống để gieo trồng các vụ lúa trong năm khoảng 750.000 tấn.
Bên cạnh đó, "kho dự trữ quốc gia hiện vẫn còn 3.225 tấn hạt giống lúa các loại, 1.184 tấn hạt giống ngô và 105 tấn hạt giống rau các loại. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ mua tăng cường 3.500 tấn hạt giống lúa đưa vào dự trữ quốc gia, trong đó miền Bắc mua tăng 1.500 tấn, miền Trung 800 tấn, miền Nam 1.200 tấn hạt giống lúa các loại", báo cáo của Bộ NN&PTNT khẳng định.
Về xuất khẩu, tính đến ngày 15/3/2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 26,5% và giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 đạt từ 6,5 - 6,7 triệu tấn (tương đương 13 - 13,4 triệu tấn thóc).
Theo báo cáo, nhu cầu tiêu thụ thóc cả nước là 29,96 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ của người dân ở mức 14,26 triệu tấn thóc (tương đương 9,27 triệu tấn gạo). Nhu cầu phục vụ chế biến ở mức 7,5 triệu tấn thóc, chăn nuôi 3,4 triệu tấn thóc dùng làm giống, giống dự phòng 1 triệu tấn thóc, dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn thóc.
Căn cứ tình hình thực tế sản xuất, dự báo sản lượng, diện tích của ngành trồng trọt, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ tập trung theo dõi, thống kê sát thực tế về tình hình sản xuất, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa theo từng chủng loại, mùa vụ, đồng thời phối hợp với các địa phương để định hướng sản xuất, kịp thời ứng phó với các tình hình mới.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục theo dõi sát nhu cầu xuất nhập khẩu của các thị trường để kịp thời tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường, đặc biệt lưu ý theo dõi sát tình hình xuất khẩu gạo của Ấn Độ và các nước xuất khẩu gạo trong khu vực.
Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo để đảm bảo dự trữ, lưu thông và bình ổn giá lúa gạo nội địa cũng như xuất khẩu, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trước đó, ngày 18/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên thế giới. Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống, đặc biệt khi dịch do virus Corona đang diễn biết hết sức phức tạp hiện nay. |