Dự thảo Nghị định áp dụng với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh gồm các sở và các cơ quan ngang sở.
Trong đó, Bộ Nội vụ xây dựng quy định nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính.
Cơ cấu tổ chức của Sở này gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 10 phòng chuyên môn. Hà Nội và TP HCM được lập thêm một phòng để quản lý riêng về công sản và một chi cục thay cho một phòng nghiệp vụ về tài chính doanh nghiệp.
Sở mới này có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: tài chính; ngân hàng; thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; tài sản nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; kế toán; giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại địa phương; kế hoạch đầu tư công; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa phương; quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), ngồn vốn vay ưu đãi, nguồn viện trợ phi Chính phủ; đấu thầu; đăng ký doanh nghiệp;....
Ngoài ra, Bộ Nội vụ muốn hình thành Sở Hạ tầng và phát triển đô thị (hoặc tên gọi Sở Giao thông, Xây dựng và phát triển đô thị) là kết quả hợp nhất của Sở Xây dựng với Sở GTVT. Riêng Hà Nội và TP. HCM thì Sở mới này được hợp nhất giữa Sở Xây dựng với Sở GTVT và Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Cơ cấu Sở mới gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (trên cơ sở tổ chức lại 12 phòng hiện có của các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải).
Sở Hạ tầng và phát triển đô thị có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; chiếu sáng đô thị; cây xanh đô thị; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thi; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản;...
Với thiết kế dự thảo này, Bộ Nội vụ muốn quy định nhiều sở ngành ở địa phương được sáp nhập theo hướng tinh gọn với quy định cụ thể số lượng cấp phó và bộ máy nhân sự.