Bộ NN-PTNT đã “làm hết khả năng”

Theo trưởng đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không có sự liên quan giữa việc cấp chứng nhận hợp quy, thử nghiệm phân bón với tình trạng phân bón kém chất lượng tràn lan
Nông dân tỉnh An Giang bón phân cho lúa Ảnh: THỐT NỐT
Nông dân tỉnh An Giang bón phân cho lúa Ảnh: THỐT NỐT

Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa ban hành Kết luận thanh tra số 235/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón tại 11 đơn vị được chỉ định hoạt động chứng nhận chất lượng, thử nghiệm phân bón.

Giai đoạn giao thời tạo ra “lỗ hổng” quản lý

Sau khi phát hiện nhiều sai phạm, Thanh tra Bộ NN-PTNT kiến nghị Cục Trồng trọt hủy quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận phân bón và quyết định chỉ định phòng thí nghiệm phân bón đối với 11 đơn vị này, đồng thời yêu cầu thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận hợp quy đã cấp cho các đơn vị sản xuất phân bón không đúng quy định. Thanh tra cũng đề nghị tổ chức kiểm điểm đối với những cán bộ của Cục Trồng trọt có hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nghiêm Phú Trường - Phó trưởng Phòng Hành chính tổng hợp Bộ NN-PTNT, trưởng đoàn thanh tra - khẳng định quản lý nhà nước về phân bón đang trong giai đoạn chuyển đổi phương thức. Khi Nghị định 113/2003 và Nghị định 191/2007 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113) về quản lý phân bón còn hiệu lực, việc quản lý phân bón bằng danh mục. Doanh nghiệp (DN) chỉ cần có tên sản phẩm nằm trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam thì hàng hóa sẽ được đưa ra thị trường. Nhà nước sẽ quản lý hậu kiểm.

Tuy nhiên, Nghị định 202/2013 ra đời năm 2013 đã thay phương thức quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật. Theo đó, mọi sản phẩm phân bón khi lưu thông trên thị trường đều phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Ông Trường cho rằng chính vì nằm trong giai đoạn chuyển đổi phương thức quản lý nên đã có những “lỗ hổng”, kể cả trong quản lý nhà nước, đối với sự quản lý ngành phân bón cũng như việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón trên cả nước.

“Thanh tra chúng tôi rất thận trọng đối với những dấu hiệu vi phạm. Dựa trên báo cáo cũng như dấu hiệu vi phạm, chúng tôi đã trao đổi với cơ quan công an (Cục An ninh Nông nghiệp, Nông thôn - Bộ Công an - PV)” - ông Trường nhấn mạnh.

Vị thanh tra này giải thích theo Nghị định 202, Bộ NN-PTNT chỉ được Chính phủ giao quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác (chiếm khoảng 10% trong sản xuất nông nghiệp). Còn phân bón vô cơ thuộc quản lý của Bộ Công Thương (chiếm 90%).

Về việc 11 đơn vị sai phạm đã tham gia chứng nhận hợp quy cho hàng ngàn sản phẩm của các DN phân bón có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón kém chất lượng hoành hành hay không, ông Nghiêm Phú Trường cho rằng trong phạm vi quản lý của mình, Bộ NN-PTNT chưa có số liệu chính thức để kết luận phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan đến mức nào, có bao nhiêu vụ bị xử lý, hình thức bị xử lý ra sao.

“Việc chấp hành pháp luật trong chứng nhận hợp quy phân bón tách biệt với hoạt động quản lý chất lượng và bảo đảm chất lượng phân bón của các DN. Hai việc này không liên quan nhau” - ông Trường lý giải.

Khó đánh giá xử mạnh hay nhẹ

Khi phóng viên đặt vấn đề mức đề xuất của thanh tra đề nghị xử lý chủ yếu mới chỉ là kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm sẽ không đủ sức răn đe, ông Trường cho rằng rất khó để đánh giá. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo kiên quyết xử lý đến cùng, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy. “Không có vùng cấm, không bao che, kể cả là xử lý hình sự” - ông Trường khẳng định.

Với 11 tổ chức hoạt động giám định chất lượng phân bón, cơ quan thanh tra đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT yêu cầu Cục Trồng trọt thu hồi cả 11 giấy phép hoạt động giám định phân bón. Đồng thời, đề nghị Cục Trồng trọt chỉ đạo 11 tổ chức này thu hồi tất cả chứng nhận hợp quy đã cấp sai, cấp chưa đúng. Sau đó, thanh tra bộ sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo Thanh tra Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phối hợp quản lý thật chặt những sản phẩm đã được cấp chứng nhận hợp quy chưa đúng.

Trưởng đoàn thanh tra Nghiêm Phú Trường cho biết sai phạm của 11 tổ chức này, nhìn nhận dưới góc độ quản lý, là hồi chuông cảnh báo, ngăn ngừa và răn đe với các DN, với cả hệ thống cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương đối với việc kiểm soát chất lượng phân bón. “Nhưng về hậu quả thì khó đánh giá vì không có sự liên quan trực tiếp giữa việc này với thực trạng phân bón kém chất lượng tràn lan hiện nay” - ông Trường nhìn nhận.

Những sai phạm của 11 tổ chức đã được nêu rõ, mô tả chi tiết trong kết luận thanh tra. Phần lớn vi phạm về chứng nhận chất lượng ngoài phạm vi được chỉ định; thực hiện thử nghiệm phân bón vượt quá giới hạn được chỉ định. “Như vậy, trong chức trách, nhiệm vụ được giao, Bộ NN-PTNT đã làm hết khả năng của mình” - ông Trường khẳng định.

Điểm mặt 11 doanh nghiệp sai phạm

Theo kết luận thanh tra, 11 đơn vị vi phạm gồm: Công ty CP Giám định và Khử trùng FCC, Công ty CP Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (đều ở TP HCM); Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy - Công ty CP Chứng nhận Vietcert, Công ty TNHH Kencert, Công ty CP Chứng nhận Globalcert, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (đều ở TP Đà Nẵng); Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert, Công ty CP Chứng nhận và Giám định IQC (đều ở TP Hà Nội).

Theo NLĐ