|
Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất quốc hội tăng tuổi nghỉ hưu - (Ảnh minh họa). |
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho biết tại Hội thảo tổng kết 3 năm thi hành Bộ Luật Lao động năm 2012 do Bộ LĐTBXH tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội
Hiện tại, Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu về việc tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ Luật Lao động trình Quốc hội trong năm 2017.
Việt Nam hiện đang trong quá trình già hóa dân số, vì vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp tận dụng tốt hơn nguồn nhân lực, đảm bảo việc làm và vấn đề an toàn về quỹ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, việc tăng tuổi nghỉ hưu còn xem xét trên đặc thù công việc: với những công việc nặng nhọc độc hại thì không kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Bộ cũng sẽ xem xét việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ. Theo đó, nếu đề xuất này được thực hiện, tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ đều là 60 tuổi.
Dự kiến, dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật lao động năm 2012 lần thứ nhất sẽ chính thức công bố để lấy ý kiến vào 31/10. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017.
Được biết, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã hai lần được trình ra Quốc hội nhưng không được thông qua.
Điều 187 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Người lao động có thể được nghỉ sớm hơn tuổi lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.