Theo đó, trong văn bản do ông Phạm Hoàng Tuấn - phó giám đốc sở ký, Sở GTVT Hà Nội cho rằng do công trình xây dựng cầu vượt kết cấu thép lắp ghép lần đầu được triển khai tại Việt Nam nên nhiều hạng mục chưa có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình.
Từ đó, khi phê duyệt dự toán sở này đã “tạm vận dụng” một số định mức để duyệt giá trị cho một số hạng mục.
Theo sở GTVT Hà Nội, định mức mới cho một số hạng mục đến nay đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, các chênh lệch do áp dựng đích mức trước đó mà thanh tra Bộ Xây dựng nêu sẽ được điều chỉnh khi áp dụng theo định mức mới. Việc quyết toán công trình cũng sẽ căn cứ vào khối lượng, biện pháp thi công thực tế được nghiệm thu.
Từ những lý do đó, Sở GTVT Hà Nội cho rằng “không thể coi đó là sai phạm và thất thoát được”.
Về kết luận của đoàn thanh tra liên quan đến công tác bóc tách khối lượng còn thiếu chính xác khi lập, thẩm định và phê duyệt dự toán, Sở GTVT Hà Nội cho rằng “có yếu tố khách quan do công trình phải triển khai gấp rút, khó tránh khỏi thiếu sót”.
Sở này cũng khẳng định khi quyết toán công trình sẽ xử lý tất cả các tồn tại ở khâu dự toán mà đoàn thanh tra nêu, do vậy “thực tế chưa gây nên thất thoát”.
Trao đổi về phản hồi trên của Sở GTVT Hà Nội, ông Phạm Gia Yên - chánh thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định, thanh tra bộ sẽ giữ nguyên, không điều chỉnh gì đối với kết luận thanh tra đã ban hành.
Trước đó, trong kết luận cuộc thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng của Sở GTVT Hà Nội do Thanh tra Bộ Xây dựng công bố đã xác định nhiều sai phạm trong một số dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư.
Mức sai phạm được đoàn thanh tra xác định lên tới gần 40 tỉ đồng tại các dự án thi công đường 446, đường nối từ quốc lộ 5 vào Khu công nghiệp Hapro, cầu vượt nút giao Nam Hồng, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Láng, cầu vượt Daewoo...
Theo Tuổi trẻ