Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, ngày sau khi có “sự cố” tại BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã cử Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam khảo sát, xem xét nhắm đưa ra mức phí phù hợp cho người dân. Sau đó, Bộ GTVT đã có cuộc họp thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư về việc giảm phí này.
Vị trí đặt trạm BOT
Liên quan đến thắc mắc vì sao đặt trạm thu phí ở vị trí hiện nay, Thứ trưởng Đông khẳng định, vị trí đặt trạm nằm trong dự án và đã lấy ý kiến của địa phương, Bộ Tài chính, đoàn ĐBQH, các bộ ngành liên quan… Đây là kết quả của một quá trình khảo sát kỹ lưỡng, căn cứ vào các phương án tài chính nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích, vừa có đường tốt để đi nhưng cũng phải đáp ứng nhu cầu thu hồi vốn cho Nhà đầu tư.
Ông Đông cho rằng, Ngân sách Nhà nước đang hạn chế, Nhà nước không có tiền đầu tư nên giao cho các chủ đầu tư thực hiện. Quỹ bảo trì đường bộ chỉ vá láng chứ không nâng cấp cải tạo được.
Lý do hai cây cầu “biến mất”
Một phóng viên đặt câu hỏi: thông tin ban đầu là 7 cây cầu nhưng thực tế khi làm lại có 5. Hai cây cầu đã thay bằng hai cống, vậy khi đó dự án giảm được bao nhiêu tiền, trừ được bao nhiêu thời gian thu phí?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Đông cho biết, việc hai cây cầu “biến mất” là do giải pháp kỹ thuật khi thực hiện. Hai cây cầu này là cầu bản, dài 6m, chủ đầu tư đã thay thế bằng cống hộp. “Như cái cửa, ban đầu thiết kế 2m nhưng sau đó thấy cao quá nên chỉ làm 1,8m” – ông Đông lấy ví dụ và cho biết thêm việc giảm kinh phí sau khi biến 2 cây cầu thành cống, Bộ GTVT sẽ có con số cụ thể. “Tuy nhiên, chắc chắn kinh phí sẽ không giảm được nhiều” – Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Kỳ vọng không xảy ra sự việc tương tự ở bất cứ trạm BOT nào
Ông Đông khẳng định, Bộ GTVT không lường trước được sự việc lần này tại BOT Cai Lậy. Hiện Bộ đang tập trung cùng các cơ quan chức năng để xử lý. Bộ cũng sẽ làm việc với chủ đầu tư, ngân hàng. Còn việc đảm bảo an toàn thì sẽ do địa phương xử lý. “Chúng tôi không kỳ vọng những sự việc tương tự xảy ra ở bất cứ trạm BOT nào”- ông Đông nói.
Bộ không muốn bị NĐT kiện
Khẳng định lại sự việc xảy ra ở BOT Cai Lậy là rất đáng tiếc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Bộ không thể cản việc chủ đầu tư kiện lại cơ quan quản lý Nhà nước khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng. Hợp đồng BOT ghi rõ nếu mẫu thuẫn không giải quyết được thì các bên có thể khởi kiện ra tòa. “Chúng tôi không kỳ vọng việc phải ra tòa và mong muốn các chủ đầu tư cùng giải quyết với Bộ GTVT” – Ông Đông nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, dù ở đâu ai cũng mong muốn được đi đường miễn phí. Ở nước ngoài họ không thu vì họ có ngân sách. Còn ở nước ta, hiện ngân sách không đáp ứng được nên phải thu hút kênh tư nhân. “Việc BOT Cai Lậy phải giải quyết hài hòa theo kiển win-win” – Thứ trưởng Đông đặt vấn đề. Theo đó, người dân sẽ có đường để đi, NĐT có lãi và Nhà nước vẫn đầu tư được cơ sở hạ tầng trong điều kiện ngân sách khó khăn.
Nếu người dân tiếp tục phản ứng sau khi giảm phí
Thứ trưởng Đông nhấn mạnh việc làm con đường này là mang lại lợi ích cho số đông, nên phải chia sẻ lợi ích hài hòa giữa người dân, nhà nước và chủ đầu tư. Tuy nhiên, nếu người dân tiếp tục trả tiền lẻ thì UBND Tiền Giang phải xử lý, việc xử lý thế nào phải tùy thuộc theo tình hình. Nhưng về lâu dài, trạm BOT Cai Lậy và các trạm BOT trên toàn quốc sẽ sử dụng thu phí không dừng giống trạm thu phí Hà Nội – Hải Phòng.
Theo quy hoạch tại Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg ngày 21/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12 Km, quy mô 4 làn xe.
Từ năm 2009, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu xây dựng tuyến tránh, tuy nhiên do nguồn vốn Nhà nước khó khăn nên đến năm 2013 sau hơn 4 năm nghiên cứu dự án vẫn chưa được triển khai.
Trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang (văn bản số 3901/UBND-CN ngày 30/8/2013) về việc khu vực thị trấn Cai Lậy thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, gây bức xúc cho người tham gia giao thông, người dân sống trong khu vực và kiến nghị đầu tư dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT tại văn bản số 1908/TTg-KTN ngày 11/11/2013.
Ngay sau đó, đến ngày 19/12/2013, Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 4173/QĐ-BGTVT. Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.398,2 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại Km1987+560, QL1 (Thị xã Cai Lậy), điểm cuối tại Km2014, QL1 (huyện Cái Bè).
Tổng chiều dài dự án 38,5 Km. Trong đó, cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4 Km (qua Thị xã Cai Lậy dài 11,1 Km), sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; Tuyến tránh Thị xã Cai Lậy dài 12,1 Km và xây dựng 07 cầu (quá trình triển khi thực hiện có 02 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương).
Theo chủ trương tại trạm Cai Lậy, Km1999+300 QL1 trong thời gian 6 năm 5 tháng, mức thu giá dịch vụ thực hiện theo khung quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư, Bộ GTVT đã lấy ý kiến và nhận được thống nhất về chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cùng vị trí đặt trạm Cai Lậy của UBND tỉnh Tiền Giang; HĐND tỉnh Tiền Giang; Đoàn ĐBQH Tiền Giang; Bộ Tài chính.
Giấy chứng nhận đầu tư số 76/BKHĐT-GCNĐTTN cấp ngày 27/6/2014; Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh (lần 1) ngày 11/10/2015. Công trình Dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng và bắt đầu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ từ ngày 01/8/2017.
Trên cơ sở rà soát việc thu giá dịch vụ và kiến nghị của đại diện UBND tỉnh Tiền Giang tại Trạm Cai Lậy, cuộc họp giữa Bộ GTVT và các bên liên quan diễn ra vào hôm qua (16/8) đã thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả các phương tiện qua trạm.
Cụ thể, mức giá dịch vụ sau khi giảm loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) còn lại là 25.000 đồng.
Loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) là 35.000 đồng.
Loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn) là 40.000 đồng.
Loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit) là 70.000 đồng.
Loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit) là 140.000 đồng.
Bộ GTVT cho biết, vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt. Thời gian áp dụng từ ngày 21/8/2017.
Đặc biệt, sẽ giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện Loại 1 và Loại 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, và Phú An thuộc huyện Cai Lậy (không kinh doanh vận tải).
Đồng thời, giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã nói trên và xe buýt của hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng các cơ quan liên quan tập trung triển khai thực hiện để áp dụng trước ngày 10/9/2017