|
Bộ GTVT chính thức có ý kiến về Đồ án Quy hoạch ga Hà Nội - Ảnh: Q.V |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công Bộ GTVT vừa ký Văn bản số 4417/UBND-ĐT gửi UBND TP. Hà Nội góp ý đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, tỷ lệ 1/2000 (sau đây gọi tắt là Đồ án).
Bộ GTVT thống nhất về các lý do và sự cần thiết phải lập quy hoạch, nhất là việc xác định ga Hà Nội và vùng phụ cận cần được xây dựng một cách thống nhất, đồng bộ và là cơ sở để tổ chức thực hiện quy hoạch.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội làm rõ cơ sở lựa chọn phạm vi quy hoạch, phân khu chức năng và tính cấp thiết của việc lập quy hoạch. Theo Bộ GTVT khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận là trung tâm và là cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố, vì vậy Đồ án cần có sự so sánh đối chiếu cụ thể các chỉ tiêu và các tác động của Đồ án với quy hoạch chung của thành phố.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội làm việc hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về kiến trúc, quy hoạch và lịch sử để hoàn thiện Đồ án vì đây là Đồ án quy hoạch có tác động lớn đến việc bảo tồn kiến trúc cổ, ảnh hưởng lớn cảnh quan và cấu trúc đô thị Hà Nội.
Bộ GTVT cũng đề nghị Thành phố căn cứ lộ trình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển GTVT của các lĩnh vực (nhất là lộ trình hoàn thiện mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và hệ thống giao thông công cộng tại khu vực ga Hà Nội) để dự kiến lộ trình thực hiện Đồ án bảo đảm tính khả thi; hạn chế đến sinh hoạt và cuộc sống người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực quy hoạch.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận. Theo đó, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội cần thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững.
Theo Đồ án quy hoạch, TP Hà Nội đề xuất xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng. Việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng, khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng, khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng, khu ga đường sắt cao 40-70 tầng.
Hà Nội cũng đề xuất với 3 phương án thiết kế chiều cao các công trình cao từ 100-200 m xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng khu vực trên khoảng 23.800 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội đảm nhận khoảng 700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật.