Cụ thể, trong báo cáo mới đây trình Thủ tướng Chính phủ về việc Tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở tổng kết thực tiễn đề án thí điểm cùng các kiến nghị của các Sở GTVT và kinh nghiệm một số nước trên thế giới, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động theo quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT cho đến khi Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP có hiệu lực; đồng thời giao các tỉnh, thành phố quyết định số lượng phương tiện tham gia thí điểm.
Tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Theo đó, Bộ GTVT cho rằng mô hình taxi công nghệ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống, đây là điều tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc sử dụng hợp đồng điện tử giúp người thuê vận tải (hành khách) minh bạch biết trước được các thông tin về hành trình và khoản tiền phải chi trả cho chuyến đi (giá trị hợp đồng). Đồng thời, cơ quan quản lý quản lý được việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước và đáp ứng được xu thế tất yếu trong ứng dụng khoa học công nghệ đối với lĩnh vực vận tải.
Đối với hành khách, việc đưa Đề án 24 vào thí điểm giúp hành khách thuận tiện trong việc đi lại: lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe (tên, số điện thoại), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt hơn, nhất là việc rút ngắn được thời gian hành khách chờ xe đến đón đối với mỗi chuyến đi của mình.
Văn bản của Bộ GTVT cho biết thêm, từ khi các ứng dụng phần mềm được triển khai tại Việt Nam (đến nay có 10 ứng dụng được chính thức hoạt động) đã góp phần vào việc thay đổi chất lượng dịch vụ của hoạt động taxi, cụ thể các đơn vị taxi như Vinasun, Mai Linh, Thành Công, GroupTaxi, VicTaxi, Taxi Long Biên, SunTaxi, Taxi Phúc Xuyên,… cũng đã đầu tư công nghệ phần mềm và đưa vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách được ngày càng tốt hơn.
Từ đó, Bộ kết luận: Việc triển khai thí điểm Đề án mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ cho doanh nghiệp mà còn rất tiện ích cho hành khách đi xe, góp phần đáng kể giảm ùn tắc giao thông đô thị do phương tiện đến đón đúng địa chỉ với quãng đường di chuyển ngắn nhất. Thúc đẩy việc đổi mới, ứng dụng công nghệ trong các đơn vị vận tải để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông góp phần triển khai tốt việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.”
Đồng thời, tạo sự cạnh tranh thúc đẩy phát triển của đơn vị kinh doanh, là động lực để các đơn vị tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh. Tạo thuận lợi và giảm chi phí xã hội cho người dân.
Thiếu cơ chế, khó quản lý
Tuy nhiên, Bộ Cũng nhận định Đề án đang đặt ra bài toán rất khó về mặt quản lý nhà nước đối với loại hình vận chuyển hành khách bằng hợp đồng điện tử này. Trong đó, quan trọng nhất là việc làm rõ loại hình kinh doanh vận tải taxi công nghệ hay hợp đồng điện tử (định danh).
Về ý kiến này, Bộ dẫn quan điểm của Hiệp hội taxi cho biết, đây là loại hình vận tải taxi công nghệ. Tuy nhiên, theo quy định tại pháp luật về giao thông vận tải thì đây là loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng.
Việc chưa phân rõ loại hình vận tải mới sẽ dẫn đến việc khó có thể nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý và các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Grab, Uber,...); đồng thời, nghiên cứu đưa loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng 09 chỗ ngồi trở xuống ứng dụng khoa học công nghệ (như Grab, Uber,…), trong đó qui định cụ thể các điều kiện kinh doanh vận tải nhằm phù hợp với thực tế quản lý trong hoạt động vận tải hiện nay.
Ngoài ra, điều này còn cho thấy một số quy định từ Luật giao thông đường bộ và Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Dẫn đến việc không có chế tài xử lý phù hợp nếu các đơn vị tham gia thí điểm sai phạm. Điển hình: “thời gian qua Grab triển khai ứng dụng GrabShare (đi chung xe) không nằm trong thí điểm theo quyết định số 24/QĐ-BGTVT, mặc dù Bộ GTVT đã có Văn bản số 4752/BGTVT-VT ngày 04/05/2017 và Văn bản số 6781/BGTVT-VT ngày 22/06/2017 về không áp dụng dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng đối với Công ty TNHH GrabTaxi nhưng Công ty vẫn tiếp tục triển khai, trong khi đó lại không có chế tài để xử lý đối với Công ty TNHH GrabTaxi về việc này”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng thẳng thắng nhìn nhận, việc thay đổi trong quản lý để đáp ứng xu hướng tất yếu của phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức và quản lý vận tải của các cơ quan quản lý (kể cả Bộ GTVT) và đơn vị vận tải thời gian qua còn hạn chế, trình độ quản lý chưa theo kịp sự thay đổi của thực tế.
Từ đó, Bộ đề xuất Thủ tướng cho phép các đơn vị tham gia thí điểm tiếp tục hoạt động, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia vào mô hình này. Bên cạnh đó, Bộ hi vọng và sẽ tư vấn để Chính phủ sớm hoàn thiện các nghị định, chính sách liên quan đến mô hình này.