Ông Võ Văn Quyền cho biết, những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, dịch vụ cung ứng tại Việt Nam thì là hàng Việt Nam. Điều này đã được quy định ngay từ đầu cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cách đây từ 6 năm chứ không phải mới xuất hiện bây giờ.
Theo Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), Samsung và các doanh nghiệp FDI khác cũng được xem là hàng Việt. |
Ông Quyền lấy dẫn chứng ngay tại cuốn tài liệu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng Việt Nam xuất bản cũng đã nêu rõ “hàng hóa lắp ráp, sản xuất và dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam không phải hàng nhập khẩu là hàng Việt Nam”.
Bên cạnh đó, trong các Luật đầu tư, luật doanh nghiệp… cũng chỉ ra, các tổ chức cá nhân thành lập, hoạt động tại Việt Nam sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cũng như dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam không phải là hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, theo đó bất luận là doanh nghiệp nào, dù là doanh nghiệp FDI, nhà nước, hợp tác xã, hộ kinh doanh…được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, có sản phẩm hàng hóa sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đều là hàng Việt Nam.
“Do đó, Samsung hay các doanh nghiệp FDI khác có những đóng góp quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam thì được coi là hàng Việt Nam”, ông Quyền nói.
Trước đó, tại Hội thảo “Tự hào hàng Việt nam” kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất tới siêu thị diễn ra vào cuối tháng 7, ong Myoung, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã đề xuất “Từ bây giờ Samsung không muốn chỉ được gắn liền với cái tên là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam mà chúng tôi mong muốn được gọi là doanh nghiệp quốc dân Việt Nam”.
Trước đề xuất của Samsung, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét đằng sau câu chuyện là gì, hay samsung lại muốn nhận được ưu đãi khác (?)
Còn theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), không nên phân biệt hàng của DN trong nước và FDI vì những sản phẩm đầu tư nước ngoài với điều kiện như cơ sở hạ tầng, điện, chi phí giao thông của Việt Nam; sản phẩm góp phần GDP, xuất khẩu của Việt Nam thì không có lý gì coi đó là hàng ngoại.
Tương tự, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nêu ý kiến, hàng Việt không chỉ sản xuất bởi công ty 100% vốn Việt Nam mà còn là hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam của những doanh nghiệp nước ngoài. Đây là quan điểm cần nhất quán để không chỉ ở chủ trương, chính sách mà hành động cụ thể không có sự phân biệt giữa hàng hoá 100% vốn Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Infonet