Xã hội hóa cảng biển, cảng hàng không luôn là mối quan tâm sâu sắc của vị chủ tịch SHB và T&T Group - Đỗ Quang Hiển, thường được gọi làBầu Hiển
Bầu Hiển vốn nổi tiếng bởi phong cách trầm tĩnh và rất ít khi xuất hiện trước báo giới. Tuy nhiên, mỗi bước đi của ông đều thể hiện sự quyết đoán, mỗi khi cái tên của ông xuất hiện là một lần ông gây bất ngờ cho thị trường.
Tháng 4/2015, giới thạo tin đã rỉ tai nhau thông tin Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines đã chuyển nhượng toàn bộ 49 triệu cổ phiếu, tương đương 98% cổ phần của cho T&T Group. Bầu Hiển giữ im lặng trước thông tin này.
Đến mới đây, tháng 8/2015, tức là 4 tháng sau việc hoàn tất “thâu tóm” Cảng Quảng Ninh mới chính thức được T&T Group công bố.
Có trong tay Cảng Quảng Ninh, Bầu Hiển đang chứng tỏ một chiến lược mua bán doanh nghiệp đầy tham vọng. Một "lối chơi" âm thầm nhưng quyết đoán, giống như trong bóng đá. Sân bay Phú Quốc, , chắc hẳn cũng đang nằm trong tầm ngắm của ông...
Thưa ông, lý do nào khiến ông quyết định "nhảy" vào lĩnh vực cảng biển? Đây là lĩnh vực tương đối mới nên chắc hẳn sẽ đòi hỏi cá nhân ông và T&T Group phải nỗ lực khá nhiều. Ông đặt kỳ vọng gì khi đầu tư vào Cảng Quảng Ninh?
Ông Đỗ Quang Hiển: Mọi người nghĩ rằng cảng biển là một cái gì đó ghê gớm lắm, nhưng thực ra nó cũng chỉ là một loại dịch vụ, một loại dịch vụ cao cấp. Đối với cảng biển hay cảng hàng không thì việc an ninh cửa khẩu là do nhà nước làm.
Còn các doanh nghiệp thực hiện chủ trương xã hội hóa của Chính phủ chủ yếu để nâng cấp hạ tầng và các dịch vụ, các phương tiện, phương pháp quản lý để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Mục đích cuối cùng là để người dân được hưởng các dịch vụ tốt nhất.
Muốn như thế, thứ nhất là phải đầu tư thêm. Nhà nước cần phải xã hội hóa, ngân sách Nhà nước phải dành cho những việc quan trọng hơn. Ở nước ngoài, các bạn thấy sân bay và cảng biển đa số là tư nhân hóa hết. Người ta làm lâu rồi còn Việt Nam giờ mới bắt đầu.
Vì nó mới, nên các bạn nghĩ cảng biển, sân bay nó là cái gì đó rất là cao xa nhưng suy cho tới cùng thì các bạn đi máy bay ở sân bay, đó là dịch vụ; các bạn đi nhận hàng ở cảng, đó cũng là dịch vụ.
Tuy vậy, chính sách của Chính phủ, của Bộ Giao thông, của các Bộ ngành hiện nay là rất hợp lý. Trong tương lai, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có những tập đoàn lớn như Toyota, Samsung, Hyundai. Những tập đoàn đó cũng bắt đầu từ như thế này nhưng họ làm trước chúng ta 30 năm.
Có ý kiến cho rằng, khi hội nhập thì logictics sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhất. T&T Group có phải là một trong những doanh nghiệp đón đầu xu hướng này không?
Thực ra, xu hướng đầu tư phát triển logictics Việt Nam đã hình thành nhiều năm nay nhưng do các chính sách chưa thu hút các nguồn lực của xã hội hóa nên nó vẫn ở dạng nhỏ lẻ. Hiện giờ chính phủ đã có các chính sách xã hội hóa toàn diện như vậy, thì sẽ tạo điều kiện cho những thành phần kinh tế tham gia vào.
Khi hội nhập chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào kinh doanh tại Việt Nam. Như vậy rõ ràng là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng cấp lên. Và không có gì bằng các doanh nghiệp thu hút được nguồn lực xã hội có tiềm năng, thu hút tiềm lực từ trong dân.
Ngoài ra, cũng không gì nhanh bằng chúng ta thuê các nhà quản lý nước ngoài chuyên nghiệp. Trong thời gian đầu, họ đưa mô hình quản lý hiện đại vào, lại vừa đào tạo thì chỉ sau 3 đến 5 năm là Việt Nam có thể vững vàng và trực tiếp đứng ra quản lý được.
Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp tham gia vào cảng biển chưa hẳn là do ngành này mang lại lợi nhuận cao. Điều doanh nghiệp muốn hướng tới lại là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Nếu nhìn vào góc cạnh của người chưa làm kinh tế hay chưa tiếp cận dịch vụ cảng biển, cảng hàng không của nước ngoài thì họ nghĩ rằng cảng biển không hiệu quả.
Đấy là lối suy nghĩ cũ rồi. Mọi người nghĩ bỏ tiền vào đó là khó khăn hay cao xa. Nhưng nếu chúng ta quản lý tốt, chúng ta hội nhập, việc giao thương thương mại sẽ phát triển thì cảng biển, cảng hàng không lại là kênh khai thác dịch vụ rất có hiệu quả.
Ở cảng thì chỉ làm các dịch vụ cho cảng biển thôi, ai người ta đi làm du lịch ở cảng?
Đừng hỏi tôi tại sao lại đầu tư vào cảng biển hay cảng hàng không. Là một doanh nghiệp, tôi thấy cơ hội đầu tư hiệu quả cho doanh nghiệp, cho đất nước. Thực sự, tôi có rất nhiều mong ước, hoài bão…
Sắp tới không ai nói trước được điều gì, còn tôi sẵn sàng đón chờ và nắm bắt cơ hội.
Đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, cơ sở hạ tầng hiện đang thu hút sự tham gia của khá nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và cả các tập đoàn nước ngoài. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?
Chính sách xã hội hóa thu hút đầu tư vào các cảng biển của Chính phủ trong lúc này theo tôi là rất phù hợp. Đầu tư dịch vụ cảng biển, cảng hàng không đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực tài chính mạnh.
Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đến tầm này cũng luôn có ý thức cao hơn. Bên cạnh phát triển kinh doanh, họ cũng muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế cho đất nước, đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Nhiều người hay nói rằng đây là cuộc đua cạnh tranh giữa các ông lớn. Tôi phản đối ý kiến này. Các doanh nghiệp lớn họ đều tôn trọng nhau. Háo hức, sẵn sàng tham gia nhưng họ nhìn nhau và chia sẻ cùng nhau. Bởi vì các dự án quốc gia còn rất nhiều, vấn đề là làm sao chia sẻ nguồn lực một cách hợp lý nhất.
Còn rất nhiều cơ hội mà đất nước đang cần đầu tư để phù hợp với năng lực cũng như tâm huyết của các doanh nghiệp.
Trước mỗi quyết định đầu tư, ông dành thời gian bao lâu để phân tích đánh giá?
Cũng phải tùy thuộc nhiều yếu tố. Khi một chính sách của nhà nước cho phép xã hội hóa một dự án nào đó, đến lúc thông báo cho doanh nghiệp, để quyết định cũng cần một khoảng thời gian. Không ai vừa nói xong là làm ngay được, nó phải theo trình tự.
Quyết định bán cổ phần ở cảng là của Chính phủ, đưa vào đề án tái cấu trúc là của Tổng công ty hàng hải Vinalines, sau đó Vinalines mới đề xuất 1 đề án trình Bộ GTVT, rồi Bộ GTVT lại trình lại Chính phủ. Quy trình này có khi mất thời gian tới 1 năm trời. Tất cả thông tin đều công khai, không có gì là bí mật cả.
Ngoài cảng biển và cảng hàng không, được biết ông cũng quan tâm đến cả đường sắt. Phải chăng ông đã nhìn thấy tiềm năng nào đó từ Ga Hà Nội?
Thực ra trong tất cả các lĩnh vực về giao thông, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Như các nước hiện nay đường cao tốc của họ rất phát triển. Tuy nhiên họ vẫn sử dụng đường sắt, nhưng đường sắt phải hiện đại.
Cho nên các ga đường sắt vẫn rất cần thiết ở các nước, nhưng người ta sẽ làm quy hoạch lại hạ tầng, tàu cũng khác và tốc độ của tàu cũng khác.
Theo thông tin tôi có thì Bộ GTVT đang có đề án hiện đại hóa, cụ thể là tuyến Hà Nội - Hải Phòng sắp tới đây sẽ làm lại đường ray, và thay thế bằng tàu cao tốc. Từ đó sẽ rút ngắn thời gian đi Hải Phòng và cũng giúp giảm tải áp lực giao thông đường bộ. Người dân cũng sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Khả năng T&T Group dành được quyền khai thác tại Ga Hà Nội là bao nhiêu phần trăm thưa ông?
Đây là một câu hỏi rất khó để trả lời bởi vì điều đó thuộc về nhà nước. Nếu trước 1 trận đấu bóng đá thì tôi có thể trả lời được.
Được biết Bầu Hiển là một người rất tâm huyết và đầu tư rất nhiều cho bóng đá. Vậy bóng đá đã mang lại khoản lợi nhuận nào cho ông hay chưa?
Thứ nhất đó là tình yêu. Còn bóng đá Việt Nam nói đến lợi nhuận thì chắc phải một thời gian dài...
Theo Thái Nam
Theo Trí thức trẻ