Mới đây, đại diện Viettel đã xin phép được hưởng chính sách giống như Samsung.
“Nhất bên trọng, nhất bên khinh”
Sự thua thiệt của doanh nghiệp điện tử Việt Nam so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhấn mạnh tại Hội thảo “Liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ 6 ngành công nghiệp trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” vừa diễn ra hôm nay, 21/8/2015, tại Hà Nội.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay là làm sao có thể tiếp cận hỗ trợ của Nhà nước một cách thuận lợi nhất và những chính sách đó phải có sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI (công bằng về cơ hội tiếp cận, về tiếp nhận các ưu đãi như thuế, đất...).
“Trên văn bản thì rất ưu đãi nhưng thực sự doanh nghiệp muốn tiếp cận thì khó quá. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị. Mới đây, trong một buổi làm việc với Bộ Tài chính về thuế nhập khẩu linh kiện (Bộ Tài chính là đơn vị chịu trách nhiệm điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu đối với linh phụ kiện điện tử), đại diện của Viettel (doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất điện thoại) đã phải xin Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cho họ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi giống như đã cho Samsung”, bà Hương cho hay.
Cũng theo bà Hương, thực tế cho thấy khi Samsung đưa ra danh mục để xin phép nhập dây chuyền sản xuất thì lập tức được công nhận ngay là sản xuất công nghệ cao và nhanh chóng được phép nhập dây chuyền đó, không cần có thẩm định gì của Bộ KH&CN. “Trong khi chúng tôi phải trải qua rất nhiều thẩm định của Bộ KH&CN và các Bộ, ngành khác để chứng minh rằng dây chuyền định nhập là công nghệ cao. Quy trình áp dụng khi thẩm tra hồ sơ đối với doanh nghiệp nội địa mất thời gian hơn so với doanh nghiệp nước ngoài. Và khi có những vướng mắc thì sự tiếp nhận của các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp trong nước cũng chưa thực sự quan tâm nhiều bằng mỗi khi có kiến nghị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này làm chúng tôi rất nản lòng”, bà Hương chia sẻ.
Đã quy mô nhỏ, lại nhiều cái khó
Phân tích cụ thể về những cơ hội cũng như thách thức đối với doanh nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay, bà Đỗ Thị Thúy Hương khẳng định, gần đây, doanh nghiệp điện tử Việt Nam rất nỗ lực đổi mới công nghệ, hoàn thiện chu trình quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo đủ năng lực cung cấp cho các nhà sản xuất đầu cuối tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đã và đang cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Khả năng tiếp cận, chứng minh năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI còn hạn chế; đặc biệt là về công nghệ, vốn và khả năng đảm bảo đúng quy chế kiểm toán...
“Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam thường kéo theo một chuỗi những doanh nghiệp cung ứng sản phẩm mà họ có sẵn. Ví dụ như Samsung kéo theo khoảng 60 doanh nghiệp làm phụ trợ, trong đó khoảng 50 doanh nghiệp Hàn Quốc ào ào vào các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Hưng Yên... để tiện cung ứng cho Samsung. Đó là những công ty đã và đang cung cấp cho Samsung tại Hàn Quốc, giờ họ kéo sang Việt Nam để tận dụng những ưu đãi của Chính phủ về đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu, miễn giảm trong 5 năm tiếp theo và rất nhiều lợi thế khác như nhân công rẻ, đất đai chi phí thấp... Vì thế nên cơ hội chen chân của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế nhiều”, bà Hương phân tích thêm.
Tuy nhiên, bà Hương cũng lưu ý rằng không phải không có những doanh nghiệp đã và đang cung cấp được các sản phẩm hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín. Ví dụ như Viettronics Bình Hòa đã 20 năm nay gia công xuất khẩu cho các hãng sản xuất lớn của Nhật Bản. Hoặc một số doanh nghiệp cung cấp nội địa nhưng mang tiêu chuẩn quốc tế, điển hình là Công ty 4P đã nằm trong chuỗi cung ứng của LG, cung ứng rất tốt, rất nhiều sản phẩm cho LG.
Bà Hương một lần nữa nhấn mạnh vấn đề mấu chốt là ở chỗ các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được hưởng ưu đãi ngang bằng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vào Việt Nam.
Theo Ictnews