Bộ này cho rằng,sản xuất bauxite lỗ 37,4 triệu USD là “vội vã, thiếu cơ sở”.
Trước đó, tại cuộc tọa đàm về các dự án bauxite do Trung tâm Con người và thiên nhiên (Pan &Nature) tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc các dự án đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sau khi phân tích các yếu tố đầu vào, đầu ra, công nghệ khai thác hiện nay của các dự án bauxite, đã cho rằng: các dự án này nếu sản xuất 660.000 tấn sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD.
Theo Bộ Công thương, do các nhà khoa học và dư luận xã hội có ý lo ngại về hiệu quả kinh tế của các dự án, năm 2011, Thủ tướng đã giao Bộ này chỉ đạo TKV rà soát, tính toán, kiểm tra lại hiệu quả kinh tế các dự án. Bộ đã báo cáo Thủ tướng và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Tháng 4.2014, TKV đã cập nhật lại hiệu quả kinh tế - xã hội của 2 dự án, trên cơ sở kết quả phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh và Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các báo cáo kể trên khẳng định các dự án bauxite “có hiệu quả”, với thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4 năm và thời gian thu hồi vốn 11,5 năm. Cập nhật hiệu quả vào tháng 4.2014 cho thấy, các thông số đầu vào dự án cơ bản ổn định, không có thay đổi nhiều, giá bán alumina trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng: Đầu năm 2014 giá bán (FOB cảng Gò Dầu) ở mức 300÷310 USD/tấn, cuối năm ở mức 350 - 360 USD/tấn, bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn so với tính toán của dự án là mức 325 USD/tấn.
“Mức giá trên đã vượt mức dự báo tăng giá alumin trong tính toán hiệu quả kinh tế, do vậy, hiệu quả kinh tế của dự án tăng lên; thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm dưới 4 năm, thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo”, Bộ Công thương viện dẫn.
Bộ này đồng thời trích dẫn nhận định của đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các dự án bauxite có hiệu quả kinh tế và nhấn mạnh: Đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở.
Theo Thanh Niên