|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, ngày 1/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 636/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017.
Theo Bộ Công Thương, mục đích của đợt kiểm tra cao điểm này nhằm phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, gia công phân bón vô cơ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sản xuất không có giấy phép nhằm trốn tránh pháp luật.
Đặc biệt, là phát hiện những bất cập trong công tác quản lý phân bón nói chung, phân bón vô cơ nói riêng để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý phân bón.
Cụ thể, trong đợt kiểm tra thứ nhất, các chi cục quản lý thị trường sẽ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn; phát hiện kiểm tra doanh nghiệp không hoặc chưa được cấp Giấy phép sản xuất phân bón vẫn hoạt động sản xuất. Đợt kiểm tra thứ hai, các chi cục tiếp tục kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra của Bộ do Cục Quản lý thị trường chủ trì kiểm tra trực tiếp một số tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ tại một số địa bàn trọng điểm. Đợt kiểm tra thứ ba, các chi cục kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ còn lại trên địa bàn. Đoàn kiểm tra của Bộ sẽ kiểm tra chéo công tác kiểm tra của một số chi cục tại một số địa bàn trọng điểm.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng, hoạt động kiểm tra cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra phải gắn liền với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ.
Các đánh giá kết luận cần phản ánh đúng thực tế, khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng. Trên cơ sở đó, cần rút ra những bài học, vấn đề trong chỉ đạo, điều hành để kiến nghị đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi các quy định của pháp luật về quản lý mặt hàng này.
Theo số liệu được nêu lên trong hội thảo “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam”, hiện cả nước có tới 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón với hơn 9.000 loại sản phẩm, hàng năm sản xuất khoảng 11 triệu tấn và hơn 4 triệu tấn nhập khẩu mỗi năm. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp này hoạt động không có giấy phép, sản xuất bằng “công nghệ cuốc xẻng” tuồn phân bón giả, phân bón kém chất lượng ra thị trường đang khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi.
Theo tính toán, nền kinh tế thiệt hại mỗi năm khoảng 60.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra.