|
Ông Nguyễn Thế Hùng "kêu cứu" vì điều kiện nhập khẩu ô tô. Ảnh: L.Th |
Cụ thể, Thông tư 20 của Bộ Công thương ban hành năm 2011 quy định nhà nhập khẩu phải được chỉ định hoặc ủy quyền của chính hãng đã dồn rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tới bước phá sản.
Đơn cử như KyLin, trước thời điểm Thông tư 20 được ban hành, doanh nghiệp này làm ăn phát đạt với doanh số bán hàng 200-300 xe mỗi tháng, nộp ngân sách nhà nước hơn 100 tỷ đồng tiền thuế.
Vào thời điểm Thông tư 20 ban hành, ông Hùng đã ký hợp đồng và chuyển 8 triệu USD đặt cọc cho lô hàng mới. Nhưng vì Thông tư 20, lô hàng này cho tới nay vẫn chưa được nhập về và 8 triệu USD của ông Hùng vẫn "gim" lại đó.
Ông Hùng cho biết, sau khi doanh nghiệp kêu cứu lên đến Thủ tướng Chính phủ, năm 2013 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương tháo gỡ khó khăn cho KyLin. Tuy nhiên, văn bản hướng tháo gỡ vướng mắc của Bộ Công thương lại yêu cầu doanh nghiệp nhập nguyên lô hàng với đúng mẫu của 2011 và thời gian là trong 6 tháng.
“Sau hai năm thì với mẫu cũ ấy chúng tôi nếu nhập về thì bán cho ai? Chưa kể tiền thuế, ví dụ một cái Camry nhập giá 20 ngàn USD nhưng thuế là 26 ngàn USD nữa. Trong khi đó bắt tôi nhập 800 xe trong 3 đến 6 tháng thì nhập làm sao được và tiền thuế đâu ra tôi nộp cho từng ấy xe mà đó là mẫu cũ”, ông Hùng nói.
Do đó, KyLin đã kiến nghị xin Bộ Công thương cho phép doanh nghiệp nhập hàng về với mẫu mới và giữ nguyên tổng giá trị hàng nhập và được kéo dài thêm thời gian nhập xe để vừa bán, vừa thu hồi vốn và vừa có tiền nộp thuế.
“Tôi có nhập một phần lô hàng ấy về nhưng lại “vướng” ở cơ quan hải quan do thủ tục và phải nằm ở cảng 2 tháng trời. Tôi mất 700 triệun đồng tiền lưu kho, lưu bãi”, ông Hùng bức xúc. “Đến giờ nếu tôi không dựa vào ngành nghề khác để sống thì chắc đã “chết” rồi”, Giám đốc KyLin nói.
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thiên An Phúc (Hà Nội) cho biết: “Tôi đại diện cho 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để kiến nghị. Sau 5 năm, từ 200 doanh nghiệp nay còn lại có 20 doanh nghiệp và chủ yếu buôn bán ô tô cũ, từ doanh nghiệp lớn giờ thành doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”.
Ông Tuấn cho biết, vì không phải ngành nghề liên quan tới an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng nên các doanh nghiệp này vẫn chờ đợi để được tiếp tục kinh doanh.
Theo ông Tuấn, Thông tư 20 nhằm mục tiêu giảm lạm phát, ổn định vĩ mô, giảm nhập khẩu nhưng sau khi Thông tư 20 ra đời thì năm 2014 cả nước nhập khẩu 1,5 tỷ USD, năm 2015 nhập khẩu 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, thị trường của doanh nghiệp nhập khẩu trong nước được nhường lại hết cho các doanh nghiệp nước ngoài thành lập đại lý và lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài, thuế thất thu.
Dự kiến, cuối tuần này Nghị định nâng cấp từ Thông tư 20 sẽ được trình Chính phủ xem xét và thông qua. “Chúng tôi rất muốn đối thoại với Bộ Công thương. Cái gì nhà nước không cấm thì chúng tôi phải được kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Theo Giao Thông