Chỉ mở rộng quyền điều tra đối với kiểm ngư
Về đề nghị giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế, Kiểm ngư và Ủy ban chứng khoán, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện khái quát, nhiều ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ nên xem xét giao thẩm quyền trên cho Kiểm ngư.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chỉ "gật đầu" với việc giao quyền điều tra ban đầu cho Kiểm ngư.
Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an nêu quan điểm cho rằng xu hướng phải thu gọn, tập trung đầu mối. Tuy nhiên, tình hình điều tra tội phạm có thay đổi, diễn biến phức tạp nên vấn đề tổ chức cũng phải đặt ra để phù hợp.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, kiểm ngư đóng theo đơn vị hành chính còn cảnh sát biển lại theo vùng nên cũng gặp khó khăn khi phối hợp trong điều kiện hoạt động đặc thù trên biển. Do đó, cần xem xét trao thẩm quyền điều tra cho lực lượng Kiểm ngư.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng các vấn đề trên biển hiện nay khác trước rất nhiều, thực tiễn đặt ra rất nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, không chỉ là vấn đề giao thương mà là vi phạm môi trường, quan hệ quốc tế… đều cần phải xử lý ngay trên biển. Do đó cũng cần mở rộng thêm một số thẩm quyền điều tra cho cơ quan kiểm ngư.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng chỉ có duy nhất lực lượng kiểm ngư là cần thiết phải bổ sung thẩm quyền điều tra.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm, đã giao cho lực lượng kiểm ngư thẩm quyền điều tra thì đừng có quá hạn chế bởi phạm vi hoạt động trên biển mênh mông, tìm được công an hay cơ quan điều tra thì rất phức tạp. Giao quyền đến đâu cũng cần tính toán kỹ, nhưng không phải là chuyển kiểm ngư thành cơ quan điều tra mà phải thiết kế mô hình cho thích hợp.
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc, khi đã có quyền lớn thì cũng phải có trách nhiệm lớn đi kèm, nếu làm sai hay vi phạm thì phải chịu trách nhiệm, không phải muốn làm thế nào thì làm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Riêng đối với cơ quan thuế và chứng khoán tôi thấy chưa cần thiết giao cho thẩm quyền điều tra. thêm lắm lại có quyền bắt người rồi phức tạp. Thuế cũng điều tra, chứng khoán cũng điều tra... thì điều tra loạn à, do đó chỉ nên nghiên cứu thêm lực lượng kiểm ngư”.
Về vấn đề mở rộng phạm vi điều tra cho Bộ đội biên phòng, Chủ nhiệm UB Tư pháp thông tin, qua kết quả khảo sát, giám sát cho thấy trong số các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì đa số vụ án được khởi tố, tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra đều do Bộ đội biên phòng tiến hành và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, tội phạm xảy ra ở địa bàn nội địa thì hầu hết đều xảy ra tại khu vực biên giới mà Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách và chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng phạm vi điều tra một số tội danh cho Bộ đội biên phòng; đồng thời cần phải rà soát để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ điều tra của các cơ quan đóng tại địa bàn biên giới quốc gia.
Đóng góp ý kiến về nội dung này, đa số ý kiến trong Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều tra cho Bộ đội biên phòng, tuy nhiên, chỉ áp dụng đối bới bộ đội biên phòng đóng quân ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, còn bộ đội biên phòng những nơi ở gần trung tâm, tuyến ven biển, gần với trụ sở cơ quan điều tra của công an thì không nên quy định vì sẽ gây chồng chéo.
“Gộp” Cục điều tra tham nhũng, điều tra kinh tế làm một?
Thượng tướng Lê Quý Vương giải thích, hợp nhất 2 Cục điều tra để đảm bảo chặt chẽ trong hoạt động.
Một vấn đề khác chưa nhận được đồng thuận là đề xuất hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, Thường trực Ủy ban này tán thành với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội về việc hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Không đồng tình hợp nhất, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng việc này không phù hợp với pháp luật hiện hành và làm giảm yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Trên thực tế, đã thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng chuyên trách, chống tham nhũng đang có yêu cầu rất cao, được Đảng và nhà nước quan tâm, ông Khánh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương giải thích, tội phạm kinh tế và tội phạm chức vụ có mối liên hệ, gắn kết với nhau. Ý của Bộ Công an muốn đảm bảo hoạt động chặt chẽ cả 2 nội dung này nên đề nghị nhập 2 Cục vào với nhau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thắc mắc, lúc lập 2 Cục này là do Bộ Công an đề nghị, sao giờ cũng lại Bộ Công an đề nghị sáp nhập? Nếu vậy, nói Cục điều tra tội phạm về buôn lậu cũng là một loại tội phạm kinh tế, cần nhập vào thì giải thích sao?
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận, có tách ra hay không phải xin ý kiến Bộ Chính trị, nói.
UB Tư pháp của Quốc hội thì tán thành hướng bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu ở Bộ Công an, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu ở công an cấp tỉnh trên cơ sở tách các hoạt động điều tra loại tội phạm này từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ.
Thường trực UB Tư pháp cũng đề nghị bổ sung cơ quan cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và đề nghị không tiếp tục giao cho cơ quan cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành một số hoạt động điều tra.
Theo Dân trí