|
Ảnh minh họa |
Bà Tạ Thị Hồng Minh - phó trưởng phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - cho biết các căn cứ pháp lý để Bộ Công an ban hành thông tư này là Luật công an nhân dân 2014 và nghị định 106/2014 của Chính phủ.
Tuy nhiên, Luật công an nhân dân chỉ quy định về điều kiện trưng dụng tài sản của lực lượng công an nói chung chứ không đề cập đến thẩm quyền, trường hợp cụ thể được trưng dụng cũng như trình tự, thủ tục, việc trả lại và bồi thường tài sản.
Trong khi đó, việc trưng dụng tài sản với những nội dung có liên quan nêu trên đã được quy định rõ trong Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008. Theo luật này thì chỉ có bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh mới được quyền quyết định trưng dụng tài sản kèm theo lưu ý quyền này không có sự phân cấp cho người khác.
Về nguyên tắc xây dựng văn bản, thông tư của bộ được quyền hướng dẫn chi tiết nhưng phải căn cứ theo các nội dung cơ bản của nghị định và luật. Khi Luật công an nhân dân và nghị định 106/2014 không đề cập gì đến thẩm quyền thì thông tư 01/2016 không được quy định là các CSGT (một bộ phận của công an nhân dân) cũng được quyền trưng dụng tài sản của dân. Bởi lẽ nội dung này trái với chính Luật công an nhân dân và Luật trưng mua, trưng dụng nên không thể chấp nhận được.
Trên thực tế, khi cấp bách nhưng phương tiện để thực thi công vụ bị thiếu hoặc hư hỏng thì CSGT cũng có thể tạm dùng phương tiện của dân và vì lợi ích chung thì người dân thường đồng ý.
Song nếu hiểu theo đúng nghĩa pháp lý thì việc tạm dùng đó không phải là trưng dụng (vì không thể có ngay quyết định hay xác nhận của bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh và người chủ phương tiện có nghĩa vụ chấp hành như yêu cầu của Luật trưng mua, trưng dụng) mà chỉ có thể là huy động (hiểu theo nghĩa thông thường là tiếp nhận tài sản cho một công việc với sự tự nguyện ưng thuận của chủ tài sản) hoặc là mượn như một giao dịch bình thường.
Với pháp luật thì không thể chỉ là cắt nghĩa miệng hoặc trả lời trên báo chí của một vài cá nhân có chức vụ mà phải là giấy trắng mực đen để tất cả mọi người cùng hiểu như nhau và cùng thực hiện thống nhất.
Chính vì thế, khi thông tư 01/2016 không bảo đảm được tính hợp pháp để thỏa mãn được hai yếu tố cùng hiểu và cùng thực hiện nêu trên thì cần phải được bãi bỏ để thay thế bằng văn bản khác.
Hiện tại, do Luật công an nhân dân có dùng hai khái niệm là huy động và trưng dụng tài sản nên đồng thời với việc căn cứ vào hai luật Công an nhân dân và trưng mua, trưng dụng để hướng dẫn chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện thì thông tư mới của Bộ Công an cần có quy định phân biệt trưng dụng khác gì với huy động và hoàn toàn có thể sử dụng khái niệm mượn tài sản của dân trong tình huống khẩn cấp để không trái hai luật trên, mà cũng đúng với Bộ luật dân sự.
Theo Tuổi trẻ