Sáng nay, 8-9, trả lời báo chí về thông tin bà Châu Thị Thu Nga khai với cơ quan điều tra đã "chi phí" 1,5 triệu USD để lọt vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XIII, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói: "Hiện chưa nhận được thông tin này. Việc này chưa kiểm chứng, nhưng tôi nghĩ rằng đây có thể chỉ là cách để lý giải số tiền ấy đã đi đâu, họ tiêu cá nhân cái nọ cái kia rồi thì biết làm sao được".
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hiện cơ quan điều tra đang làm rõ sai phạm của bà Châu Thị Thu Nga. "Chạy tiền hay không mình không có khả năng kết luận, phải chờ cơ quan chức năng. Nhưng 1,5 triệu USD tương đương 30 tỉ đồng, rất nhiều, rải đi đâu hết chỗ này, trong khi nếu "chạy" thì chỉ có mấy chỗ. Là người ứng cử tự do thì Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội giới thiệu để vào, sau 3 vòng hiệp thương, rồi đến cơ quan Ủy ban Thường vụ QH. Vậy 30 tỉ đồng đi đâu? Không ai biết cục tiền lớn thế thì ném đi đâu" - ông Phúc đặt vấn đề.
Tổng thư ký QH cho rằng nếu có thông tin thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của QH. Làm rõ đưa ai, bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời.
"Một khoản tiền lớn thế vào QH làm gì, giải quyết vấn đề gì. Giờ một số ĐBQH chuyên trách mời người ta còn tránh không tham gia, vậy cá nhân muốn vào QH làm gì"- ông Phúc nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của báo giới về QH khoá XIV có hiện tượng gì phản ánh phải chạy tiền để vào danh sách ứng cử ĐBQH, đặc biệt trong khối doanh nhân, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: "Chưa có hiện tượng gì. Có đơn đề nghị xem xét nhưng chúng tôi xem xét và thấy không có cơ sở gì cả. DN ứng cử tự do thì QH khoá XIV chỉ có 2 người trúng".
Về thông tin bà Châu Thị Thu Nga khai phải chạy tiền vào QH có cho thấy công tác bầu cử mình có dư luận thế không?, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: "Thực chất nguyên lý là có cung có cầu. Anh vào QH để làm gì, có được lợi lộc gì không thì mới lao vào như thế. Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào QH, nhất là với khoản tiền lớn như thế. Để làm gì, mác để làm gì, vì pháp luật không loại trừ ai, ai vi phạm cũng đều bị xử lý. Đeo mác đó nhưng vi phạm pháp luật thì cũng vẫn bị xử lý".
Trả lời câu hỏi về câu chuyện vào QH của bà Châu Thị Thu Nga, mới đây là ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy việc lựa chọn ĐBQH vẫn có lỗ hổng, ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ qua những vụ việc này, tới đây phải làm tốt công tác thẩm tra, đó là bài học về công tác quản lý công tác hiệp thương, thẩm tra, quản ký hồ sơ lý lịch của ĐBQH.
"Trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng thế, mình đâu có biết, nhưng đến gần về cuối mới phát hiện ra chuyện đó. Rất bất ngờ, nhiều khi mình không đủ điều kiện kiểm chứng, nhưng QH rất rõ ràng, ngày hôm nay không phát hiện được thì ngày mai phát hiện vẫn kiên quyết xử lý, chúng tôi không sợ mất uy tín mà không xử lý"- Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Về dư luận việc "chạy" làm ĐBQH, nhất là trong giới doanh nhân, ông Nguyễn Hạnh Phúc khuyến cáo: "Đây là sự nhầm tưởng, tưởng ngồi vào QH thì có quyền quyết định thế nọ thế kia, nhưng không thể thay đổi hay tác động được gì cả. Đúng là cho phép có quyền tự do ứng cử, nhưng mục đích vào làm gì? Vào vì dân, vì nước, bảo đảm quyền lợi người dân hay lợi dụng mục đích gì, có lợi dụng được không?".
Theo NLĐ