Bloomberg: Việt Nam và 4 quốc gia khác là mắt xích kết nối quan trọng trong một thế giới phân mảnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việt Nam, Ba Lan, Mexico, Maroc và Indonesia là những quốc gia đang tận dụng được lợi thế từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng từ căng thẳng Mỹ - Trung, theo Bloomberg.

Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu
Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu

Theo Bloomberg, trên thực tế, có một nhóm các quốc gia đang nổi lên như những mắt xích quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị phân mảnh thành các khối đối lập. Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng từ Mỹ và Trung Quốc, không phải quốc gia nào cũng quyết định chọn phe.

Bloomberg đã phân tích dữ liệu thương mại và đầu tư, và phát hiện ra 5 quốc gia nằm giữa các đường đứt gãy địa chính trị mới: Việt Nam, Ba Lan, Mexico, Maroc và Indonesia. Các quốc gia này đạt sản lượng kinh tế 4 nghìn tỉ USD vào năm 2022 - nhiều hơn Ấn Độ, gần bằng Đức hoặc Nhật Bản.

Bất chấp chính trị và quá khứ rất khác nhau, 5 quốc gia nói trên có chung mong muốn là nắm bắt cơ hội có được bằng cách định vị mình là mối nối liên kết mới giữa Mỹ và Trung Quốc, hoặc Trung Quốc với châu Âu và các nền kinh tế châu Á khác.

Tại sao lại là 5 quốc gia này?

5 quốc gia này hoàn toàn không phải là những nền kinh tế duy nhất đang trải qua sự chia rẽ, nhưng vị trí địa lý và khả năng thúc đẩy thương mại đã khiến họ trở thành những nền tảng trung gian quan trọng.

Tổng sản phẩm quốc nội của 5 quốc gia này chỉ tương tương 4% toàn cầu, nhưng họ đã thu hút hơn 10% đầu tư vào cái gọi là "lĩnh vực xanh" kể từ năm 2017, tương đương 550 tỉ USD. (Thuật ngữ này mô tả chi phí cho các nhà máy mới, văn phòng và các cơ sở khác của một công ty nước ngoài thành lập hoặc mở rộng hoạt động ở một quốc gia khác). Tất cả đều chứng kiến thương mại của họ với thế giới tăng tốc trong 5 năm qua.

Các chuyên gia kinh tế đã phân tích dữ liệu từ hơn 25.000 công ty và nhận thấy chuỗi cung ứng đang kéo dài khi các quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á, trở thành điểm trung chuyển bổ sung trong thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Các công ty chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thường chuyển sản xuất sang các nước có nền kinh tế hội nhập cao với Trung Quốc, như Việt Nam.

Mexico, nơi đầu tư của các nhà sản xuất Trung Quốc tăng đáng kể trong những năm gần đây, cũng đang trở thành một mắt xích quan trọng trong thương mại Mỹ-Trung. Vì vậy, không hẳn là nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang tách rời – họ chỉ liên kết ở những nơi khác nhau.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo những yếu tố tiêu cực tác động tổng thể lên tăng trưởng toàn cầu từ sự gián đoạn dòng đầu tư và thương mại, trong đó các nước nghèo phải chịu thiệt hại nhiều hơn các nước giàu.

Đối với người tiêu dùng và ngân hàng trung ương, một tác dụng phụ khó chịu sẽ là hàng hóa đắt tiền hơn - do đó lạm phát kéo dài hơn do sự xáo trộn của chuỗi cung ứng làm tăng chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, những mối nối kinh tế này (5 quốc gia kể trên) lại là bằng chứng cho thấy lý thuyết về sự kết thúc của toàn cầu hóa là sai lầm. Hàng hóa và vốn vẫn di chuyển xuyên biên giới, thậm chí còn nhiều hơn trên thực tế.

Việt Nam - chính sách cân bằng tinh tế

khu công nghiệp Việt Nam.jpg
Một khu công nghiệp ở miền bắc Việt Nam nơi quy tụ các nhà máy sản xuất thiết bị cho Apple như Foxconn và Luxshare (ảnh: Bloomberg)

Theo Bloomberg, vai trò của Việt Nam với tư cách là một nền kinh tế kết nối đã được tăng cường trong những năm qua kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và đại dịch, khiến chuỗi cung ứng bị giám sát chặt chẽ hơn.

Một tổ hợp nhà máy trị giá 1 tỉ USD của Tập đoàn Foxconn thực hiện việc sản xuất Macbook cho Apple đang được mở rộng ở những khu đất từng là cánh đồng lúa ở miền bắc Việt Nam. Ngay bên kia sông Cầu, GoerTek - một công ty Trung Quốc sản xuất AirPods, đang xây dựng nhà máy trên một khu đất được bao quanh bởi những cây chuối, ao sen và cánh đồng chăn thả trâu.

Với sự kết hợp giữa chi phí lao động thấp, cơ sở hạ tầng được cải thiện và các hiệp định thương mại ngày càng mở rộng, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà cung cấp của Apple, bao gồm Luxshare Precision Industry và Pegatron Corp.

Xu hướng các nhà sản xuất điện tử khổng lồ chuyển một số dây chuyền sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam đã có từ khoảng một thập kỷ trước, nhưng nó đã tăng tốc trong những năm gần đây.

Mỹ là điểm đến của khoảng một phần ba kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu lớn nhất cho các nhà sản xuất Việt Nam, từ máy móc đến nguyên liệu may mặc.

Việt Nam chính thức nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ vào tháng 9, chuyển mối quan hệ sang “đối tác chiến lược toàn diện” - một vị thế ngoại giao trước đây chỉ dành cho một số ít quốc gia được chọn, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ. Hoa Kỳ cũng công bố hợp tác vào tháng 9 để giúp Việt Nam phát triển ngành bán dẫn còn non trẻ.

Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, một hiệp định thương mại tự do kéo dài 3 năm do Trung Quốc khởi xướng.

Ngành công nghiệp điện tử đóng góp 32% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2022, gấp đôi so với một thập kỷ trước. Tính đến tháng 6 năm 2022, lĩnh vực này đã tuyển dụng 1,3 triệu lao động. Các quan chức Việt Nam tự tin rằng con số này còn cao hơn nữa.

Nguyễn Đình Vinh, người trong ban quản lý giám sát các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Các công ty đang có kế hoạch mở rộng thêm nhiều nhà máy ở đây”.

so lieu vn.jpg