Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên:

Bình Nhưỡng có dùng hạt nhân làm “lợi thế bất đối xứng” với Bắc Kinh?

VietTimes -- Tiến sĩ Corey Bell tại đại học Melbourne đã phân tích rất nhiều khía cạnh trong mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên và đưa ra một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ này. Ông cho rằng rất có thể Bình Nhưỡng sẽ sử dụng lợi thế bất đối xứng để thay đổi hiện trạng ngoại giao của mình với Bắc Kinh.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Liên, Trung Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Liên, Trung Quốc.

Những năm gần đây quan hệ Trung - Triều dao động mạnh mẽ cả về ý nghĩa và bản chất. Mối quan hệ đi xuống sâu sắc kể từ 2017 tới giữa năm 2018 do một loạt những vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên - Hành động khiêu khích khiến Bắc Kinh công khai khiển trách Bình Nhưỡng, thậm chí ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên.

Tuy nhiên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ trong 3 dịp khác nhau, các cuộc gặp này đi theo một loạt các diễn đàn song phương cấp thấp và sự gia tăng viện trợ của Trung Quốc. Những diễn biến tiếp theo không chỉ là sự thách thức xu thế, nó còn khiến rất nhiều nhà phân tích uy tín kết luận từ nhiều tháng trước rằng, mối quan hệ "liên minh máu" hay "môi răng" giữa 2 nước láng giềng đã không còn nữa. Nhưng vì sao và làm thế nào mà các chuyên gia lại nhận định sai lầm về vấn đề này?

Quan điểm Trung - Triều không còn chia sẻ quan hệ liên minh "môi - răng" là một lý thuyết rất thịnh hành trong giới phân tích phương Tây và một vài học giả Trung Quốc. Nhưng, bà Trần Hựu Hoa thuộc Đại học Quốc gia Australia tranh luận rằng "những ai nghĩ rằng mối quan hệ đã thay đổi rõ rệt là không hiểu về bản chất của nó để có thể phán xét". Bà Trần lưu ý rằng ý nghĩa thật sự của "môi - răng" không liên quan tới hệ tư tưởng hay tình cảm gần gũi mà phản ánh tầm quan trọng của Triều Tiên với Trung Quốc như là một vùng đệm giúp Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh (Môi hở răng lạnh).

Nói cách khác, có một sự ổn định cơ bản trái với những biểu hiện biến động bên ngoài của mối quan hệ Trung - Triều, bởi nền móng thực chất của mối quan hệ đặc biệt của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng không phải là những yếu tố diễn biến đổi như tình cảm, cảm tính mà là một sự tồn tại lâu dài thực tế về địa chiến lược.

Lý thuyết của bà Trần Hựu Hoa phản ánh vị trí thực chất của mối quan hệ Trung - Triều giữa các nhà phân tích quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, vị trí này có những điểm yếu riêng. Trước nhất là lý lẽ cho rằng lý thuyết vùng đệm không phù hợp khi Bắc Kinh không sẵn lòng đưa ra những cam kết mạnh mẽ để bảo vệ "vùng đệm của mình" khỏi sự gây hấn của nước ngoài (đặc biệt là Mỹ). Nhiều năm trước, tiến sĩ Adam Cathcart đã lưu ý rằng những hiệp nghị chính thức của Trung Quốc để bảo vệ Triều Tiên khỏi một vụ tấn công hạt nhân yếu hơn nhiều so với nghĩa vụ mà Mỹ cần phải thực hiện để bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên đã phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa bắn được tới mọi mục tiêu trên thế giới trừ khu vực phía nam châu Phi. Ảnh: tên lửa Hwasong-15.
 Triều Tiên đã phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa bắn được tới mọi mục tiêu trên thế giới trừ khu vực phía nam châu Phi. Ảnh: tên lửa Hwasong-15.

Chính thực tế này đã thúc đẩy Triều Tiên phải có những nỗ lực để tự phát triển năng lực ngăn chặn hạt nhân. Với việc tăng tốc chương trình hạt nhân hóa của Triều Tiên, cam kết của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng càng trở nên yếu hơn - Ví dụ, Bắc Kinh gần đây đã đưa ra tín hiệu rằng sẽ không bảo vệ Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên tấn công nước khác. Còn có cả suy đoán rằng Trung Quốc sẽ không gia hạn thỏa thuận quốc phòng chung với Triều Tiên (Hiệp ước Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau Trung - Triều), sẽ hết hạn vào năm 2021.

Nếu những quan ngại về địa chiến lược là yếu tố trung tâm chỉ đạo quan hệ của Trung Quốc với Triều Tiên, vậy tại sao Trung Quốc lại không sẵn lòng bảo vệ "vùng đệm" của mình một cách tuyệt đối? Câu trả lời khả dĩ cho vấn đề hóc búa này có thể được tìm thấy trên một bài báo của ông Lí Bân - một chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc đại học Thanh Hoa. Ông Lí giải thích rằng việc Trung Quốc bảo vệ và hỗ trợ Triều Tiên hiếm khi tương xứng theo mức độ ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh với một Bình Nhưỡng "cứng đầu cứng cổ".

Nỗi sợ của Bắc Kinh là nếu họ cam kết bảo hộ Bình Nhưỡng thì "sẽ không thể gây ảnh hưởng hiệu quả tới Triều Tiên và Triều Tiên có thể hành động theo những mục tiêu an ninh riêng của mình, kéo Trung Quốc vào xung đột quân sự với các nước khác". Nói cách khác, tính khẩn thiết của một vùng đệm có thể chính là một lý do vì sao Trung Quốc đang từ chối cam kết bảo vệ láng giềng của mình - Việc ký kết một hiệp ước toàn diện chung về quốc phòng trên thực tế có thể khuyến khích Bình Nhưỡng cư xử theo con đường hủy hoại đi vai trò (hay giá trị) là một vùng đệm.

Hai ông Kim Jong Un và Donald Trump trong cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.
 Hai ông Kim Jong Un và Donald Trump trong cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.

Một cách giải thích khác cũng phù hợp về việc Trung Quốc không sẵn lòng đưa ra một hiệp ước quốc phòng chung mạnh mẽ hơn với Bình Nhưỡng được đưa ra bởi giáo sư Trương Liễn Khôi, học giả hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với ông Trương, điểm mấu chốt của vấn đề là ngay từ ban đầu Triều Tiên đã không muốn có những sự bảo hộ mạnh mẽ hơn - Bởi vì Bình Nhưỡng coi những đề xuất kiểu này - như việc mở rộng sự bảo hộ của chiếc ô hạt nhân sẽ có ý nghĩa là xói mòn quyền tự quyết của Bình Nhưỡng và là sự áp đặt bá quyền của Trung Quốc. Ông Trương chỉ ra, rất nhiều nhà phân tích đã đánh giá thấp sự ngờ vực của Triều Tiên rằng Bắc Kinh âm mưu phá vỡ quyền tự trị của mình - Và áp lực của mối lo ngại này có trong kiến trúc của ý thức chính trị, văn hóa và cả hiến pháp của Triều Tiên.

Ông cũng lưu ý rằng cốt lõi của việc Triều Tiên liên tục nhắc đến sự "tự lực cánh sinh" là ý định chống lại "việc quy phục các cường quốc". Điều này có một "ý nghĩa quan trọng trong lịch sử của bán đảo Triều Tiên" - đầu tiên phải kể tới chính sách đối với Trung Quốc của triều đại Joseon Triều Tiên và cuộc chiến của ông Kim Nhật Thành (người sáng lập nhà nước Triều Tiên hiện đại) chống lại bè phái chính trị Duyên An thân Trung Quốc. Vì thế theo ông Trương, bất cứ một sự đánh giá nào làm cho Triều Tiên thực tế nằm trong sự bảo hộ của Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ song phương và thực tế sẽ thúc đẩy sự hiếu chiến của Triều Tiên thay vì ngăn chặn nó.

Từ đó, có thể kết luận rằng việc Trung Quốc không sẵn sàng cam kết bảo vệ Triều Tiên không nhất thiết làm xói mòn đi yếu tố vùng đệm của nước này. Thay vào đó, với cả 2 ông Lí Bân và Trương Liễn Khôi, lý do mà Bắc Kinh không đưa ra những sự bảo vệ mạnh mẽ hơn bắt nguồn từ một xung đột cơ bản giữa quan điểm của Trung Quốc và Triều Tiên về mối quan hệ của 2 nước. Tờ Thời báo Segye của Hàn Quốc đã cô đọng những yếu tố này trong một bài báo gần đây mang tên: "Trung Quốc muốn Triều Tiên nằm trong vòng tay mình trong khi Triều Tiên muốn tự lực cánh sinh".

Về phía Trung Quốc, chức năng vùng đệm sẽ hoạt động tốt nhất nếu Triều Tiên (hay ít nhất là chính sách ngoại giao của nước này) lệ thuộc vào Trung Quốc theo phương thức là một nước được bảo hộ hay một quốc gia phụ thuộc. Trái lại, Triều Tiên muốn duy trì quyền tự trị mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Để làm điều đó, Triều Tiên có thể hy sinh những sự bảo vệ giúp nâng cao tình hình an ninh cho mình.

Ông Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ tình hữu nghị.
 Ông Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ tình hữu nghị.

Ý tưởng rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề an ninh của Triều Tiên không chỉ đơn thuần là một thước đo về cam kết đẩy lui hành động gây hấn của Mỹ, mà ở một mức độ lớn hơn phản ánh sự xung đột về quan điểm trong mối quan hệ Trung - Triều, có khả năng định hình lại mạnh mẽ cách chúng ta hiểu về cả quan hệ hai nước lẫn hành vi gần đây của Bình Nhưỡng. Từ lâu, các học giả Trung Quốc đã cho rằng lý do chính để Triều Tiên ráo tiết theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân là do cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã quyết định bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc vào năm 1992 - một hành động công khai được Bình Nhưỡng hiểu là dấu hiệu của việc ông chủ/người bảo vệ đã bỏ rơi mình.

Nhưng, nếu như tính cấp thiết của một vùng đệm là nền tảng của quan hệ Trung - Triều — và ai đó có thể cho rằng Bình Nhưỡng nhận thức được điều đó là lý do (để phát triển vũ khí hạt nhân) — Lý lẽ này không đủ thuyết phục. Có thể lý do để Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân hóa không phải hoàn toàn do sự thay đổi trong liên minh Trung - Triều. Có thể Bình Nhưỡng sử dụng hạt nhân hóa như một phương tiện để thay đổi hiện trạng quan hệ Trung - Triều theo hướng phù hợp với quan niệm của riêng mình. Theo một cách dễ hiểu hơn, thì chế độ của ông Kim Jong Un có thể đặt cược vào vai trò là vùng đệm của Trung Quốc để lợi dụng Bắc Kinh — Tức là, thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào sự sống còn của chế độ Kim Jong Un trong khi loại trừ khả năng của Bắc Kinh biến sự hỗ trợ/bảo vệ vùng đệm thành ảnh hưởng chính trị.

Ý tưởng này không phải là viễn tưởng như vẻ ngoài của nó. Đầu tiên, cần phải lưu ý rằng Bình Nhưỡng đã đẩy nhanh chương trình hạt nhân khi ông Tập Cận Bình công khai đòi hỏi việc viện trợ cho Triều Tiên phải kéo theo nhiều sự lệ thuộc về chính trị/ngoại giao với Bắc Kinh. Điều này đã xảy ra, khi ông Kim Jong Un có những nỗ lực để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc — một phần thông qua sự trừng phạt các quan chức thân Bắc Kinh như chú của ông là Jang Song Thaek, hay qua việc ám sát các nhân vật thân Trung Quốc có ảnh hưởng tại Triều Tiên.

Nói cách khác, chương trình hạt nhân được đẩy nhanh khiến những bất đồng từ trước trong mối quan hệ Trung - Triều càng thêm sâu sắc. Quan trọng hơn, nhiều chuyên gia Trung Quốc thừa nhận rằng sự thành công trong chương trình vũ khí của ông Kim Jong Un rồi sẽ làm yếu đi khả năng của Trung Quốc trong việc sử dụng sức mạnh quân sự để lợi dụng Bình Nhưỡng. Trong khi đó, gia tăng năng lực của ông Kim Jong Un, gây tổn hại tới chiến lược và ngoại giao của Trung Quốc.

Giáo sư trường đảng trung ương Trung Quốc, Trương Liễn Khôi là chuyên gia về Triều Tiên. Ông cho rằng điểm mấu chốt của vấn đề là ngay từ ban đầu Triều Tiên đã không muốn có những sự bảo hộ mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc.
 Giáo sư trường đảng trung ương Trung Quốc, Trương Liễn Khôi là chuyên gia về Triều Tiên. Ông cho rằng điểm mấu chốt của vấn đề là ngay từ ban đầu Triều Tiên đã không muốn có những sự bảo hộ mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc.

Điểm cuối cùng này rất đáng chú ý - Nó xác định những công cụ mà một nước Triều Tiên hạt nhân hóa cần sử dụng hoặc có thể sử dụng để gây ảnh hưởng ngược lại với Bắc Kinh. Ví dụ, nhiều nhà quan sát cho rằng hành động hiếu chiến gần đây của nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân đã định hình lại "cán cân chiến lược" trong khu vực, trong đó thúc đẩy Mỹ và các đồng minh phải gia tăng năng lực quân sự tại vùng Đông Á. Điều này xảy ra khi Trung Quốc đang dâng cao khát vọng dần dần áp đặt bá quyền trong khu vực. Vì thế, theo sử gia đáng kính người Trung Quốc, Thẩm Chí Hoa, Trung Quốc là "nạn nhân thực sự" của những diễn biến này. Ông Thẩm viết:

Hãy nghĩ về điều đó. [Để đáp trả những hành động khiêu khích của Triều Tiên], Hoa Kỳ sẽ đưa các tàu sân bay... bao gồm cả Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD. Nhưng liệu anh có thể nói họ nhắm đến Triều Tiên để bảo vệ Hàn Quốc...? Tôi nghĩ ý định chính là nhắm tới Trung Quốc. Hoa Kỳ đang tìm kiếm một lý do để đưa hạm đội của họ tới ngưỡng cửa của anh. Vì vậy, kết quả của sự phiền toái mà Triều Tiên gây ra khiến Trung Quốc phải chịu áp lực lớn hơn, chịu nhiều đe dọa hơn.

Nói cách khác, sự hiếu chiến của Triều Tiên cho Mỹ và các đồng minh một vỏ bọc ngoại giao để đảo ngược lại quỹ đạo tiến tới bá quyền khu vực của Trung Quốc.

Có lẽ Triều Tiên rất muốn điều này xảy ra. Có thể cho rằng, mọi hành động gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh tại đất nước láng giềng của Trung Quốc sẽ khiến sự duy trì vùng đệm Triều Tiên trở nên thiết yếu hơn và khẩn cấp hơn với an ninh Trung Quốc. Đặc biệt, nó khiến sự sụp đổ ngay lập tức của chế độ Kim Jong Un sẽ là vấn đề an ninh lớn hơn với Trung Quốc.

Theo lý thuyết, một diễn biến như vậy sẽ gây quan ngại cho Bắc Kinh, khiến họ phải tiếp tục đầu tư vào sự ổn định của chế độ "cứng đầu cứng cổ" Triều Tiên - vào mọi thời điểm mà Bắc Kinh muốn xét lại giá trị đồng minh của Bình Nhưỡng. Điều này cũng sẽ gây suy yếu cho vị thế của Bắc Kinh khi đòi hỏi sự nhượng bộ về chính trị của Bình Nhưỡng khi Trung Quốc hỗ trợ Triều Tiên - Tức là, nó giúp Triều Tiên từ bỏ vị trí trung lập.

Lý lẽ này được củng cố khi chúng ta cân nhắc tới tác động của những gì Trung Quốc đạt được về bá quyền khu vực dựa trên quan hệ Trung - Triều. Bá quyền của Trung Quốc tại châu Á kéo theo việc tạo ra sự mở rộng vùng đệm châu Á. Điều này sẽ khiến chức năng vùng đệm của Triều Tiên trở thành không cần thiết. Một Bình Nhưỡng không đứng chung hàng, dưới những hoàn cảnh như vậy sẽ có rất ít công cụ có thể sử dụng để chống lại sự kiểm soát và áp lực của Trung Quốc. Thực tế, với rất nhiều vấn đề trong quan hệ Trung - Triều trong những năm gần đây, một Trung Quốc "bá quyền" có thể coi sức sống của chế độ Kim Jong Un "cứng đầu cứng cổ" là sự phiền phức.

Ví dụ, ông Thẩm Chí Hoa đã gọi Triều Tiên là "một địch thủ tiềm tàng" của Trung Quốc. Hay tiến sĩ Oriana Skylar Mastro thuộc đại học Georgetown cũng thông tin rằng quan điểm như vậy đang tồn tại rộng rãi trong tầng lớp tinh hoa về quân sự và chính trị của Trung Quốc. Vì thế, có rất nhiều lý do giải thích vì sao Triều Tiên muốn đầu tư vào việc "tái cân bằng khu vực" - ngay cả khi điều này tạo ra rủi ro của việc cán cân quyền lực sẽ nghiêng về phía cựu thù của Bình Nhưỡng là Hoa Kỳ.

Nhà sử học Trung Quốc Thẩm Chí Hoa gọi Triều Tiên là một "địch thủ tiềm tàng".
 Nhà sử học Trung Quốc Thẩm Chí Hoa gọi Triều Tiên là một "địch thủ tiềm tàng".

Lý thuyết về đòn bẩy (sự lợi dụng) bù đắp những khuyết điểm cho lý thuyết về vùng đệm. Nó cũng có đủ lý lẽ để giải thích cho những hành động hiếu chiến, có vẻ như tự gây nguy hiểm cho mình gần đây của Bình Nhưỡng. Luận thuyết trên cũng giải thích được những hành động mang tính ngoại giao hơn của Bình Nhưỡng - đặc biệt là bảo đảm giải trừ hạt nhân và chìa tay ra với những kẻ thù cũ là Mỹ và Hàn Quốc.

Một cách giải thích phổ biến về động cơ của Bình Nhưỡng chìa tay với phương Tây là ham muốn "bao vây" chống lại Trung Quốc — Tức là, để tránh sự phụ thuộc quá mức về kinh tế với "người hàng xóm". Tuy nhiên, lý lẽ này có nhiều vấn đề. Đầu tiên, viện trợ của phương Tây với Triều Tiên chắc chắn sẽ đi kèm với đòi hỏi tái cơ cấu chính trị quy mô lớn, đây là điều mà Triều Tiên chắc chắn không thể chấp nhận. Hàn Quốc đã chứng minh mình là "một nhà hảo tâm" ít đòi hỏi về vấn đề này. Tuy nhiên, sự hào phóng của Hàn Quốc phụ thuộc vào môi trường chính trị nội địa nhiều biến động, và sự thất vọng với Bình Nhưỡng dẫn tới sự dao động giữa những chính sách không khoan nhượng và chính sách cởi mở hơn. Nga cũng là một nhà hảo tâm tiềm năng. Nhưng, động lực để đầu tư vào sự sống còn của Bình Nhưỡng mang lại ít lợi ích hơn là trường hợp của Trung Quốc.

Điều này dẫn ta đến với luận thuyết về lợi thế bất đối xứng. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Kim Jong Un và ông Tập Cận Bình diễn ra ngay sau khi có xác nhận về cuộc gặp giữa ông Kim và tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau cuộc gặp, Trung Quốc đã tăng viện trợ và thương mại với Triều Tiên. Trung Quốc đã quảng bá những hành động này là sự đền đáp cho bước đi ban đầu về giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc có thể có động cơ do mối đe dọa rằng Triều Tiên có khả năng sẽ "đứng chung hàng" với các đối thủ về địa chính trị và khu vực của Trung Quốc. Mối lo sợ này có thể là vô lý nhưng không phải nó chưa từng xảy ra. Ông Mao Trạch Đông đã từng bày tỏ những quan ngại rằng ông Kim Nhật Thành có thể quay lưng với đồng minh và thậm chí so sánh ông Kim Nhật Thành với Imry Nagy - một nhà chính trị Hungary đã ủng hộ cuộc nổi dậy của người Hungary chống lại Liên Xô vào năm 1956.

Kim Jong Un có thể không phải là Imry Nagy nhưng mối quan hệ của ông với Trung Quốc cũng có vấn đề như ông nội của mình. Trong phạm vi Triều Tiên tin tưởng rằng Trung Quốc đang giấu đi nỗi sợ, Bình Nhưỡng sẽ muốn sử dụng sự mơ hồ trong mối quan hệ mới với Hòa Kỳ và Hàn Quốc để Trung Quốc phải trở thành "một nhà hảo tâm" rộng lượng và ít đòi hỏi hơn.

Bời những điều trên, sự ghi nhận rằng có tồn tại "lợi thế bất đối xứng" trong mối quan hệ Trung - Triều hữu dụng để giải thích những hành vi gần đây của cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Trong trường hợp của Trung Quốc, nó giải thích sự đảo ngược về ngoại giao của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng. Trong trường hợp của Triều Tiên, nó đưa ra một khía cạnh mới về cái gọi là lý thuyết "người điên" trong quan hệ ngoại giao với ông Kim Jong Un. Với Bình Nhưỡng, sự bất đối xứng về nguồn lực quân sự, kinh tế, ngoại giao ngoài giá trị vùng đệm với Trung Quốc khiến chế độ của ông Kim Jong Un có ít nguồn lực sử dụng để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong phân tích cuối cùng, vùng đệm của Trung Quốc chính là chế độ của ông Kim Jong Un (hay bất cứ chế độ nào chống đối lại ảnh hưởng của phương Tây).

Một chiến lược lợi dụng dựa trên việc đặt cược vào vùng đệm của Trung Quốc kéo theo sự tồn tại của chế độ Kim Jong Un có thể đang được suy nghĩ. Những rủi ro của chiến lược này có thể đang bị thổi phòng. Nếu suy đoán trong phân tích cuối rằng Bắc Kinh sẽ bảo vệ vùng đệm của mình thì Bình Nhưỡng sẽ có không gian đáng kể để hoạt động - Triều Tiên biết rằng Trung Quốc có thể giận dữ khi Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD ở phía nam vĩ tuyến 38, nhưng sẽ không bao giờ tán thành để hệ thống này hiện diện ở bờ nam sông Đồ Môn.

Những phân tích trên dẫn tới một sự đánh giá bi quan về tương lai của mối quan hệ Trung - Triều và hướng đi tương lai trong chính sách ngoại giao của Triều Tiêu. Chừng nào Triều Tiên còn tiếp tục muốn giữ "sự tự lực" như là một điều cốt lõi và không thay đổi nguyên tắc chính trị, và chừng nào đất nước này vẫn còn thách thức kế hoạch bá quyền khu vực của Trung Quốc, thì chu kỳ của sự đe dọa cùng hòa giải vẫn tiếp diễn. Điều này có thể được giải quyết nếu Hoa Kỳ và Trung QUốc đứng chung một chiến tuyến chống lại Bình Nhưỡng - Nhưng sự cạnh tranh bá quyền khu vực và ham muốn thống nhất hai miền Triều Tiên một cách hòa bình của Hàn Quốc khiến điều đó khó có thể xảy ra.  

Có một biến số nhỏ đến từ việc ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ chứng kiến rất nhiều chu kỳ về hành vi thù địch hay thỉnh cầu của Triều Tiên và có thể ông không đủ kiên nhẫn để tiếp tục nhượng bộ.