Ba năm trước tôi đến Bình Dương - một điểm nóng HIV ở phía Nam - số người mắc HIV trong nhóm MSM chiếm 52%. Khi ấy, tỉ lệ đó đã là đáng báo động. Vậy mà giờ đây, con số này đã vọt lên tới 80%.
HIV không chừa ai
Khi cầm kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV, TVT bật khóc vì lo sợ và thú nhận với bác sĩ tư vấn: Em không phải là người đồng tính. Nhưng có lần, buồn chuyện gia đình nên theo đám bạn đi nhậu. Say rồi “quan hệ” với một người cùng giới và hậu quả là “dính” HIV.
Một bé trai mới 15 tuổi thì cho biết, em mê chơi game, nên khi được người đàn ông gần 60 tuổi cho tiền rồi “gạ gẫm” là em đồng ý làm theo yêu cầu. Được cung cấp tiền bạc thường xuyên, em đã trở thành “bạn tình” của người đàn ông lớn tuổi và không hề biết rằng, người đàn ông đó không chỉ có em, mà còn có vài “bạn tình” khác. Sự chung chạ đó đã mang cho em căn bệnh thế kỷ khi em còn chưa kịp trưởng thành.
Khi CDC Bình Dương thông tin con số 15 nghìn người MSM trên địa bàn, tôi từng băn khoăn sao số người đồng tính lại đông tới vậy? Đến khi nghe chuyện của TVT và cháu bé kể trên, tôi chợt hiểu. Trong nhóm MSM bị HIV, bên cạnh những người thực sự ở giới tính thứ ba, cũng có nhiều người chỉ do đua đòi, hay bị dụ dỗ mà thành MSM.
Bình Dương có 4 "chợ tình" - nơi nhóm MSM tìm kiếm nhau - hoạt động thường xuyên cùng với app Hẹn hò có lúc tới 6.000-7.000 người cùng có mặt. Nhiều thanh niên, cả công nhân lẫn sinh viên, thậm chí bé trai, vì tò mò, hay đua đòi, cũng đến các chợ này và rồi, "vướng" vào nhóm MSM và căn bệnh HIV lúc nào không hay.
Điểm nóng HIV
Bình Dương có số ca nhiễm HIV mới tăng cao. Riêng năm 2022 đã thêm 835 ca nhiễm mới, tăng 25% so với 2021, trong đó, 64,5% lây qua quan hệ tình dục đồng giới.
BSCKI. Vương Thế Linh - Trưởng khoa HIV của CDC tỉnh Bình Dương - thông tin: Trước đây, số ca nhiễm HIV chủ yếu lây truyền qua tiêm chích ma túy, mại dâm, nay chủ yếu qua đường tình dục và tập trung ở nhóm MSM.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Bình Dương hiện có khoảng 15.000 người trong nhóm MSM, trong đó, độ tuổi từ 20 đến 29 chiếm 54,6%, độ tuổi 15-19 chiếm 10%; trên 30 tuổi chiếm 35,4%.
Với đặc thù tỉnh có 30 khu công nghiệp (KCN) và 8 cụm công nghiệp, số lượng công nhân trên địa bàn rất lớn, số nhiễm HIV là công nhân chiếm 70-80%.
Đặc biệt, BSCKI. Vương Thế Linh cho biết, mới đây, Bình Dương đã phát hiện 2 ca nhiễm HIV 13 tuổi, đều trong nhóm MSM. Đây là điều cần phải quan tâm vì các em còn ở lứa tuổi học sinh mà việc phòng, chống HIV hiện chưa tiếp cận được các trường THPT.
Ths. Cao Kim Thoa - Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) - cũng cho hay, nhóm MSM đang là đối tượng ảnh hưởng lớn nhất đến dịch HIV ở Việt Nam. Nguy cơ lây nhiễm HIV nhiều hơn, vì họ không sợ mang thai, đường lây dễ hơn, nhóm MSM đa bạn tình nên tạo nguy cơ lây cao hơn cho người chưa nhiễm, làm dịch tăng lên.
Bình Dương làm gì để phòng, chống căn bệnh thế kỷ?
Ngoài 30 KCN và 8 cụm công nghiệp, Bình Dương còn có 8 trường đại học, cao đẳng với khoảng 80 ngàn sinh viên, đủ thấy tính phức tạp, khó khăn trong công tác phòng, chống HIV.
CDC Bình Dương xác định truyền thông là cốt lõi nên đẩy mạnh hoạt động này trong các KCN. Nhân viên y tế sẵn sàng tiếp cận bất cứ lúc nào công nhân có thời gian, nên đã tổ chức được nhiều buổi truyền thông nhóm nhỏ tại các khu nhà trọ của 5 công ty lớn với gần 300 công nhân tham gia; dán poster, cấp sinh phẩm tự xét nghiệm, phát bao cao su; truyền thông nhóm lớn tại KCN VSIP I và tổ chức buổi các nói chuyện với cán bộ chủ chốt của KCN để họ hiểu và đồng hành trong cung cấp các dịch vụ điều trị dự phòng Prep, điều trị ARV.
Theo thống kê, tình trạng nhiễm HIV ở học sinh, sinh viên đang gia tăng. Vì thế, CDC Bình Dương đã tổ chức truyền thông tại Trường Đại học Quốc Tế Miền Đông, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Cao đẳng Nghề Việt Nam – Singapore, Cao đẳng nghề Việt – Hàn với gần 1.000 sinh viên tham gia.
Ths. Nguyễn Bình Phương - Khoa Y dược Trường Đại học Thủ Dầu Một - chia sẻ: Trường có 18.000 sinh viên, trong đó, nam giới chiếm 40%, nên vấn đề phòng, chống HIV trong nhóm MSM bằng dự án Prep (thuốc dự phòng chống lây nhiễm HIV) cho những đối tượng nguy cơ cao ở trường rất quan trọng, nhằm bảo vệ sinh viên khỏi HIV.
Vì thế, Trường chuẩn bị lập phòng khám điều trị Prep, là kênh riêng cho sinh viên - chỉ riêng Bình Dương có.
Vai trò của các nhóm CBO
Đặc biệt, với nhóm MSM, CDC đã có nhiều biện pháp can thiệp. Hiện đang truyền thông cho nhóm trường đại học và CDC đang phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo để lồng ghép sinh hoạt đầu giờ cho học sinh PTTH.
CDC Bình Dương đã triển khai mô hình tiếp cận tìm ca tại cộng đồng thông qua mạng lưới CBO (tiếp cận cộng đồng), PNS (xét nghiệm cho bạn tình của bạn chích ma túy) và SNS (tiếp cận mạng lưới); mạng xã hội (Blued, Facebook, Zalo, TikTok); phát sinh phẩm tự xét nghiệm…
Bình Dương hiện có 4 nhóm CBO đang hỗ trợ tìm ca ở nhóm đích MSM, vì họ tiếp cận dễ hơn, để nhân viên y tế làm công tác tư vấn. Mỗi tháng các trưởng nhóm CBO đều mời các cộng tác viên tham gia vào nhóm, từ đó nhân rộng. Các nhóm CBO đã tìm ra hàng trăm trường hợp, chuyển gửi điều trị ARV và uống Pref (thuốc dùng dự phòng cho người nguy cơ cao).
6 tháng đầu năm 2023, 97,8% ca nhiễm mới ở Bình Dương đã được điều trị. Tỷ lệ điều trị Prep cho những người có nguy cơ cao cũng tăng cao.
Nhóm CBO Hạt giống hoạt động truyền thông chủ yếu ở khu vực xung quanh Đại học Thủ Dầu Một. Với dự án "Bước ra ánh sáng", nhóm đã tổ chức được 12 buổi truyền thông cho khoảng 200 sinh viên cùng với đưa 18 bạn sử dụng Prep.
Anh Nguyễn Văn Thanh - Trưởng nhóm - cho biết mỗi tháng, nhóm tiếp cận được gần 10 ca HIV và 10-14 ca sử dụng Prep, trong đó một số bạn là sinh viên, học sinh.
HIV trong trẻ vị thành niên
Riêng tình trạng trẻ vị thành niên nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng ngày càng tăng và trẻ hơn về tuổi, đã đặt ra nhiều thách thức cho Bình Dương.
Theo Luật phòng, chống HIV, 15 tuổi mới được tự nguyện đi xét nghiệm, trong khi có nhiều em mới 13-14 tuổi đã mắc HIV. Nhưng để xét nghiệm khẳng định làm cơ sở điều trị ARV thì phải có người giám hộ. Điều này gần như không thể với các em, vì các em không dám nói thật với gia đình việc mình là MSM, nhất là khi đa số đều bị người lớn dụ dỗ quan hệ đồng giới nên bị lây nhiễm HIV.
2 ca mới phát hiện ở Bình Dương đều dưới 14 tuổi là những ví dụ. Hiện giờ các em không thể xét nghiệm khẳng định vì không dám để gia đình biết để bảo lãnh.
Theo BS. Linh, để hỗ trợ các em, CDC Bình Dương vẫn quản lý, theo dõi, giúp đỡ các em tránh lây cho người khác và đợi khi đủ tuổi sẽ xét nghiệm khẳng định.
BS. Linh chia sẻ: Trước đây, quy định tuổi tự nguyện đi xét nghiệm HIV là 16, từ năm 2020 là 15 tuổi. Nhưng thực tế hiện nay, có những ca HIV mới 14 tuổi, thậm chí 13 tuổi, nên cần kiến nghị sửa Luật để bảo đảm quyền được điều trị cho các em.
Bởi nhiều trẻ nhỏ bị dụ dỗ, nhiễm HIV mà không được điều trị ARV, hoặc nguy cơ nhiễm HIV cao mà không được dùng PrEP, do cần có sự đồng ý của gia đình.
Bác sĩ Linh đề xuất: Trong thời gian chờ sửa luật, có thể cho CDC bảo lãnh để các em đi xét nghiệm, vì không phải gia đình nào cũng thông cảm khi có con là MSM, lại mắc HIV. Vấn đề đáng lo ngại nhất bây giờ là lây nhiễm ở lứa tuổi trẻ. Chúng tôi mong muốn trẻ vị thành niên được đưa vào chương trình xét nghiệm, tiếp cận thuốc điều trị PrEP, ARV sớm nhất, để hạn chế lây lan.