Bãi biển rộng cả trăm mét giờ chỉ còn hơn chục mét, thậm chí có khu vực còn vài mét, sóng biển đánh sát vào chân bờ kè biển khiến công việc kinh doanh của người dân gặp khó khăn. Không chỉ vậy, hiện tượng còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch trong mắt du khách.
"Tôi rất mê Đà Nẵng, mê biển Đà Nẵng nên ngay sau Tết, gia đình vào đây tranh thủ du lịch vì Tết không đi được. Nhưng hôm nay ra biển thì chứng kiến cảnh không thể tưởng tượng được. Bãi biển dài, rộng và đẹp không còn, thay vào đó là sóng đánh sát tận bờ. Không chỉ vậy, nước cống thải hôi thối, xú uế rất phản cảm", chị Thu Hằng, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Ghi nhận tại khu vực bãi tắm T20 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) và khu vực giáp ranh với quận Ngũ Hành Sơn. Bãi biển dài, rộng đã không còn mà thay vào đó là hàm ếch với những vết cắn" nham nhở sau từng con sóng. Tại khu vực bãi biển đường Nguyễn Văn Thoại-Võ Nguyên Giáp, sóng biển ăn sát vào chân kè vỉa hè còn vài mét. Để khắc phục, các hộ kinh doanh phải kéo sát hàng ghế bào tận chân tường và xúc cát lấn tạm thời để có chỗ kinh doanh.
Nghiêm trọng hơn là những khu nhà tắm nước ngọt trên bãi biển của các tổ kinh doanh dịch vụ bị sóng đánh sập, trơ cả móng. "Tình trạng này bị hơn tháng nay, kể từ sau Tết, sóng biển đã ăn sát vào bờ như thế này. Bãi biển dài rộng cả trăm mét giờ còn thế này đây.
Chúng tôi cũng báo cáo tình hình đến Ban quản lý các bãi biển Du lịch và ngành chức năng, nhưng thiên tai gây ra vậy, biết phải làm sao. Chỉ biết khắc phục tạm thời để kinh doanh. Hy vọng thời gian tới sóng biển sẽ ra xa kia như trước đây để còn kinh doanh buôn bán", một chị giấu tên tại Tổ kinh doanh số 12, khu vực bãi biển T20 chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Ban Quản lý các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: "Năm nào biển Đà Nẵng cũng xảy ra tình trạng xâm thực này. Và tùy theo con nước mà vị trí xâm thực sẽ di chuyển. Hiện Ban quản lý đang theo dõi, nắm tình hình và báo cáo lên cấp trên".
Xa về phía nam, hay dịch về phía bắc, dọc bãi biển Đà Nẵng từ Mân Thái (quận Sơn Trà) đến quận Ngũ Hành Sơn, tình trạng sóng biển ăn sâu vào bờ cũng xuất hiện. Mặc dù không nghiêm trọng bằng vị trí biển T20, nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vui chơi của du khách và kinh doanh của các hộ dân nơi đây.
Tại khu vực bãi biển trước khách sạn Holiday Beach, sóng biển ăn gần sát vào khu vực công viên-bar bên biển của khách sạn này khiến hàng trăm mét phao tắm biển phải kéo sát vào bờ để hạn chế tình trạng xâm thực của sóng biển.
Chiều 18/2, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay: "Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng, Sở TNMT kiểm tra, đánh giá và báo cáo UBND TP để có giải pháp lâu dài".
Một số hình ảnh liên quan đến hiện tượng xâm thực bờ biển và nước thải ô nhiễm chảy ra biển: