Biển Đông: Tên lửa Trung Quốc đặt tại Trường Sa gây đe dọa lớn
VietTimes -- Việc Trung Quốc triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống phòng không trái phép tại các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông gây lo ngại cho các nước vùng Đông Nam Á và cả những quyền lực trong khu vực như Mỹ, Nhật, Úc, National Interest nhận định.
Có thông tin Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm một cách trái phép trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là bước khiêu khích tiếp theo sau khi Trung Quốc mới triển khai các thiết bị gây nhiễu để làm gián đoạn thông tin và các hệ thống radar trên Biển Đông.
Người ta tin rằng tên lửa hành trình chống hạm của Trung Quốc là loại YJ-12B cho phép Trung Quốc tấn công các tàu trên mặt nước trong phạm vi 295 hải lý tính từ các đảo nhân tạo phi pháp. Còn tên lửa đất đối không là tên lửa tầm xa HQ-9B có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 160 hải lý. Theo một nguồn tin ẩn danh của CNBC thì tin tình báo cho biết các hệ thống tên lửa được chuyển tới quần đảo Trường Sa trong vòng 30 ngày qua.
Nhà Trắng đe dọa những hành động của Trung Quốc sẽ lĩnh hậu quả. Thư ký báo chí của Nhà Trắng bà Sarah Huckabee Sanders nói với các phóng viên: "Chúng tôi nhận thức rõ hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. Sẽ có hậu quả về mặt ngắn hạn và cả dài hạn".
Tên lửa hành trình chống hạm YJ-12.
Lầu Năm Góc đang có những mối e ngại tăng cao về việc triển khai tên lửa của Trung Quốc. Hơn nữa, Lầu Năm Góc cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ bà Dana White tuyên bố: "Chúng tôi đã nói rất nhiều về những mối lo ngại khi Trung Quốc quân sự hóa những đảo nhân tạo tại đây... Trung Quốc phải nhận ra rằng họ đã hưởng lợi từ tự do hàng hải và Hải quân Mỹ là người bảo đảm cho điều đó được thực hiện".
Việc triển khai tên lửa hành trình YJ-12B có thể gây nên thách thức quan trọng với quân đội Mỹ. Tổ chức Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa của Mỹ đã mô tả khả năng của tên lửa này như sau:
"YJ-12 tạo ra rất nhiều lo ngại về an ninh cho lực lượng Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương và nó được coi là 'tên lửa chống hạm nguy hiểm nhất mà Trung Quốc từng sản xuất'. Mối nguy của YJ-12 tới từ khoảng cách tác chiến 400km của nó, đây là tên lửa hành trình chống hạm tầm xa nhất từng được thiết kế và có khả năng đạt tới vận tốc gấp 3 lần tốc độ âm thanh.
Điều này sẽ gây khó khăn cho những hệ thống chiến đấu Aegis và tên lửa đất đối không SM-2 đang bảo vệ những cụm tác chiến tàu sân bay của Mỹ, để nhận diện và đánh chặn lại tên lửa vì nó có thể phóng qua khoảng cách có thể tác chiến của Mỹ, khiến khả năng đáp trả của Mỹ bị giảm thiểu.
Việc bảo vệ chống lại YJ-12 còn khó khăn hơn vì nó có cách bay vòng xoáy giúp cho tên lửa này có thể tránh được cú đánh chặn cuối cùng. Kết hợp với máy bay chiến đấu J-11, tên lửa YJ-12 có thể tạo ra vấn đề lớn hơn với Mỹ so với tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc. Việc triển khai YJ-12 và phát triển những hệ thống tên lửa hành trình chống hạm tương đương chứng minh ham muốn của Trung Quốc trong việc tăng cường khả năng chống tiếp cận - chống xâm nhập trong trường hợp có một cuộc xung đột trong tương lai".
Thiết bị phóng HQ-9.
Trong khi đó HQ-9B dù không có khả năng như hệ thống phòng thủ S-300V4 và S-400 của Nga vẫn là một hệ thống vũ khí phòng không đáng sợ. Về phương diện tác chiến, HQ-9 có thể được coi ngang bằng với tên lửa SA-20, với các thiết bị radar riêng biệt nó sẽ tăng khả năng cần thiết đặc biệt về mặt tự bảo vệ trước tác chiến điện tử (EWSP) và Chặn nhiễu (SOJ). Khả năng kháng nhiễu của FT-2000 được kết hợp vào đầu đạn của HQ-9/FD-2000 gây ra một loạt những rủi ro cho đối thủ trong tác chiến.
Hệ thống vũ khí có độ linh hoạt cao của HQ-9 sẽ tạo ra thách thức ngăn chặn - tiêu diệt hệ thống phòng không của kẻ thù (SEAD/DEAD) như những loại SA-10, SA-20 và SA-21 đặc biệt trong học thuyết "ẩn giấu - bắn và chạy trốn" được thực hiện bởi HQ-9. Nhiều nguồn tin từ Trung Quốc cho biết hệ thống HQ-9 được trang bị công nghệ máy tính mới hơn hệ thống S-300PMU/PMU1/PMU2 của Nga. Điều này cho thấy khả năng máy tính ngang bằng hoặc cao hơn về tiến trình phân tích tín hiệu, dữ liệu và hỗ trợ định hướng. HQ-9 không nên bị đánh giá thấp, nó có thể sánh ngang với hệ thống SA-20.
Việc triển khai những tên lửa này là một sự khiêu khích nặng nề. Steven Stashwick đã viết trên The Diplomat: "Nếu những tên lửa này vẫn còn trên các căn cứ của Trung Quốc (xây dựng trái phép) trên Trường Sa, sẽ không có một biện pháp ngoại giao nào có thể xoa dịu các nước Đông Nam Á và các quyền lực khác trong khu vực như Mỹ, Nhật và Úc.
Có vẻ như Trung Quốc đang đặt cược vào hành động triển khai này để quyết định điều gì đó. Hay ít nhất thì để xem họ có thể triển khai các hệ thống vũ khí mạnh hơn tại những hòn đảo nhân tạo như máy bay chiến đấu và máy bay ném bom cùng tên lửa đạn đạo theo quy ước có khả năng đánh chìm tàu chiến và các căn cứ ở những khoảng cách lớn hơn và cả ở ngoài Biển Đông hay không".
Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa
“Mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Ngày 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định quan điểm rõ ràng và nhất quán như vậy khi trả lời về thông tin liên quan đến việc Trung Quốc bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Theo bà Hằng: “Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc;
Vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC).”.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.