Biển Đông tăng nhiệt, cường quốc diễn trò “bên miệng hố chiến tranh“

VietTimes -- Năm 2016 khởi đầu bằng những sự  kiện tăng  mạnh quân sự hóa Biển Đông. Quá trình gia tăng quân sự hóa biển Đông có nguồn gốc từ khu vực châu Á Thái Bình Dương và quốc tế. Hai quốc gia tăng cường sức mạnh nhiều nhất là hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ, Zero Hedge nhận định.
Biển Đông tăng nhiệt, cường quốc diễn trò “bên miệng hố chiến tranh“

Cụm tàu sân bay tấn công chủ lực USS John C. Stennis (Carrier Strike Group - CSG) của Mỹ mới đây đã xuất phát từ căn cứ cảng quân sự ở Bremerton, Washington cơ động đến khu vực Biển Đông ngày 15.01 để thực hiện nhiệm vụ tuần tra và đi qua eo biển Luzon giữa Đài Loan và Philippines ngày 01.03. Hộ tống tàu sân bay Stennis bao gồm các tàu tuần dương tên lửa USS Antietam và USS Mobile Bay cũng các tàu khu trục tên lửa USS Stockdale và USS Chung-Hoon.

Tuần dương hạm Antietam có căn cứ thường trực tại Yokosuka Nhật Bản, được lệnh hải trình tuần tra bình thường trong đội hình Cụm tàu sân bay tấn công chủ lực CSG. Kỳ hạm của Hạm đội 7, USS Blue Ridge cũng đang có mặt trên vùng nước Biển Đông, cập cảng Manila vào ngày 04.03. Một cuộc đàm phán ba bên được tổ chức trên tàu Blue Ridge ngày 05.03 giữa Hải quân Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Philippines.

Các chủ đề chính của cuộc thảo luận là tìm kiếm và thống nhất một phương pháp mà ba quốc gia có thể hợp tác trong một chương trình hành động chung nhằm mục đích đối phó với sự mở rộng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực, tăng cường tập huấn và diễn tập chung đa phương trong tương lai.

Sự kiện triển khai Cụm tàu sân bay tấn công chủ lực CSG Stennis trên vùng nước khu vực này liên quan chặt chẽ và là sự tiếp nối của sự kiện triển khai tàu khu trục tên lửa USS Lassen đến quần đảo Trường Sa tháng 10.2015, khu trục hạm tên lửa USS Curtis Wilbur đến quần đảo Hoàng Sa cuối tháng 01.2016.  Mỹ cũng tăng cường các chuyến bay giám sát trên các vùng nước Biển Đông bằng máy bay tuần biển chống ngầm P-8 Poseidon. Trong một trường hợp khác là máy bay ném bom chiến lược B-52.

Sau cuộc hải chiến bất ngờ tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm các đảo của Việt Nam. Từ đó đến nay, Trung Quốc thiết lập một sự hiện diện quân sự rõ ràng trên đảo Phú Lâm. Kể từ tháng 12.2013 Trung Quốc bắt đầu  mở rộng các cơ sở hạ tầng quân sự. Đảo Phú Lâm hiện nay có một căn cứ không quân rộng lớn, một số nhà chứa máy bay mới được xây dựng và kho tàng vũ khí đạn dược.

Tháng 2.2016,  vệ tinh giám sát đường không đã chụp được những bức ảnh cho thấy Trung Quốc triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 và trạm radar Type 305B AESA phía bắc đảo. Cuối tháng  11.2015, Trung Quốc công bố triển khai máy bay tiêm kích J-11 đến đảo Phú Lâm.

Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi đắp và xây dựng hạ tầng căn cứ quân sự tại đảo Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa. Không có dấu hiệu trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ làm chậm lại hoặc dừng việc xây dựng các công trình, những sự việc này có thể dẫn đến tình huống Hải quân Mỹ gia tăng binh lực và tần suất tuần tra trong khu vực.

Cùng với sự kiện tàu LHD HMAS Adelaide lớp Canberra Hải quân Hoàng gia Úc tuần thám lần thứ hai vào ngày 04.12.2015, tuần tra lần đầu tiên của hai tàu BRP Tarlac lớp Makassar LPD do Indonesia đóng của Hải quân Philippines  ngày 17.01.2016, Mỹ có thể sẽ sớm được tăng cường bởi lực lượng hải quân khu vực trong các cuộc tuần tra trong tương lai.

Tháng 10.2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố: ông sẵn sàng cho phép lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia cùng Hải quân Mỹ trong các cuộc tuần tra trên Biển Đông. Máy bay tuần tra chống ngầm P-3 Orion của Úc hiện cũng thực hiện các chuyến bay bay với sứ mệnh dẫn đường  và tuần tra trong khu vực.

Chỉ vài ngày trước đây, ngày 09.03, Mỹ và Úc đã đàm phán thành công  về việc Mỹ được phép sử dụng các căn cứ không quân của Úc với số lượng lớn hơn các máy bay ném bom chiến lược Mỹ, bao gồm cả máy bay ném bom siêu âm B-1 và máy bay tiếp dầu trên cơ sở luân phiên. Các chiến đấu cơ chiến lược Mỹ sẽ được sử dụng các căn cứ đặt tại Tindal và Darwin miền bắc nước Úc.

Hai bên cũng đồng thuận tăng cường số lượng máy bay ném bom chiến lược  B-52 tại căn cứ quân sự ở Darwin trên cơ sở luân phiên. Khi chính sách “bên miệng hố chiến tranh” tiếp tục được duy trì, nguy cơ của một cuộc đối đầu quân sự “không chủ ý”  ở Biển Đông cho dù tiên lượng trước hay tình cờ sẽ tiếp tục phát triển.

Tổng quan tình hình gia tăng quân sự hóa Biển Đông tháng 3.2016 

 TTB