Biển Đông: Nga trong mối quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc

Quan điểm của Nga về các vấn đề Biển Đông là gì? Vai trò của Nga sẽ tác động thế nào đến bối cảnh khu vực và Việt Nam nói riêng? Quan chức Nga đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Ông Anton Tsvetov, Trưởng ban Quan hệ truyền thông và Chính phủ, thuộc Ủy ban các vấn đề quốc tế của Nga trao đổi với báo Thanh Niên - Ảnh: Twitter của ông Tsvetov

Hiện tại, hai vấn đề chính trong quan hệ ngoại giao của Nga nằm ở Ukraine và Syria, nơi họ phải giải quyết các khúc mắc về chính trị, kinh tế, quân sự với phương Tây. Đó là một phần lý do khiến Nga vẫn chưa có động thái đáng kể nào trước những tranh chấp ở Biển Đông lâu nay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Moscow hoàn toàn ngó lơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vào ngày 23 và 24.11 qua, tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 7 mang tên Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực tổ chức tại Vũng Tàu, các học giả đã bàn nhiều về sự bành trướng, quân sự hóa và tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như tương lai Biển Đông trên bàn cờ các nước lớn.

Ông Anton Tsvetov, Trưởng ban Quan hệ truyền thông và Chính phủ, thuộc Ủy ban các vấn đề quốc tế của Nga đã trình bày tham luận về chiến lược của Nga tại Biển Đông, và có những trao đổi riêng với Thanh Niên.

Xin ông cho biết quan điểm của Nga về việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và những tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông?

Ông Tsvetov: Nga không đứng về bên nào trong các tranh chấp pháp lý về vấn đề Biển Đông.  Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc hiện đều là những trung tâm chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương của Nga, do đó việc Trung Quốc chạm vào lợi ích của Việt Nam sẽ đặt ra thách thức lớn cho chính sách đối ngoại của Nga trong khu vực.

Nga bày tỏ sự phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Moscow đứng trên lập trường tìm giải pháp hòa bình cho khu vực, tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), một kết quả sơ bộ của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng như Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC).

Đây là vị trí có thể nói cực kỳ trung tính của Nga, và trên thực tế nó phản ánh sự miễn cưỡng của Nga trong nỗ lực ngoại giao ở các khía cạnh pháp lý của tranh chấp Biển Đông.

Như vậy, cái gọi là chiến lược và cơ hội tham gia tích cực của Nga vào tình hình Biển Đông là gì, thưa ông?

Sẽ không thể nói về việc ngăn chặn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, vì đó là vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Biển Đông là tuyến đường hàng hải rất quan trọng đối với thế giới. Không thể phủ nhận nhiều nước vẫn tham gia vào vấn đề Biển Đông vì lợi ích của họ.

Đây là lý do giải thích tại sao sự tham gia của Nga không gây nhiều chú ý, song nó sẽ đóng góp vào sự hiện diện toàn cầu và cân bằng hóa trong khu vực này.

Nga sẽ sử dụng cách thức gì để thực hiện sự tham gia này?

Cách tốt nhất để làm điều này là xây dựng quan hệ với các nước trong khu vực trước hết qua những vấn đề phi chính trị, chẳng hạn như bảo vệ môi trường và cứu trợ thiên tai. Nga có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẽ có đóng góp quý giá cho sự phát triển và gầy dựng lòng tin. Một điều quan trọng là cần lưu ý rằng sự hợp tác này tách ra khỏi các vấn đề tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, các cuộc tranh chấp này không phải hoàn toàn không được chú ý. Tiếng nói của Nga có trọng lượng nhất định trong việc kêu gọi các bên tham gia vào những hình thức ngoại giao cả đa phương và song phương.

Việt Nam và Trung Quốc có những mâu thuẫn trên Biển Đông, nhưng họ cũng là những đối tác gần gũi nhất so với phần còn lại. Họ nên tận dụng mối quan hệ ấy để bắt đầu phân ra những quy tắc trên Biển Đông.

Vai trò của Nga có ý nghĩa gì với Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, thưa ông?

Có những suy nghĩ từ Việt Nam rằng Nga sẽ có lập trường chủ động hơn về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, song song đó là những lo ngại xung quanh mối quan hệ phát triển nhanh chóng của Nga và Trung Quốc sẽ dẫn tới việc Moscow giảm mối quan tâm của mình, thể hiện lập trường im lặng.

Tôi nghĩ rằng sẽ không có nhiều điểm khiến Nga phải đứng về phía nào. Sau tất cả, Nga đã rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc cung cấp vũ khí và công nghệ tiên tiến. Sẽ không khó nhận ra rằng các hệ thống vũ khí trên chính là công cụ để Việt Nam sử dụng trong các cuộc đụng độ bất khả kháng trên biển (nếu có).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề cập đến hình thức “Quan hệ nước lớn kiểu mới”. Theo ông, Nga sẽ nghĩ gì khi nhận được đề xuất này?

Theo quan điểm của tôi, quan hệ nước lớn kiểu mới là khái niệm rất mơ hồ và việc triển khai nó có thể cũng còn nhiều tình huống bất trắc. Yếu tố quan trọng nhất của khái niệm này, theo tôi, là sự tôn trọng lẫn nhau để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của nhau.

Những gì chắc chắn được nhắc tới là việc Mỹ sẽ rất cẩn trọng về khu vực bên ngoài Trung Quốc, bao gồm Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Obama (trái), Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nga sẽ một mặt cam kết giữ thái độ trung lập, mặt khác vẫn rất quan tâm các lợi ích và quan hệ đối tác trên Biển Đông, đặc biệt với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, theo ông Tsvetov - Ảnh: Reuters

Một mặt, việc không can thiệp là nguyên tắc rất quan trọng và nó gây mối quan tâm cho các nước láng giềng. Lấy ví dụ việc Mỹ và châu Âu có động thái gần biên giới Nga là một trong những điểm mấu chốt gây rạn nứt trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Moscow giữ quan điểm cho rằng đó chính là hành động can thiệp thù địch với lợi ích của mình.

Mặt khác, khi nói về Biển Đông, điều cần phải nhắc tới là nó không chỉ đóng vai trò quan trọng với một nước. Những gì xảy ra ở Biển Đông ảnh hưởng tới hoạt động thương mại toàn cầu, sản xuất công nghiệp, đa dạng sinh học... Nhiều phía sẽ quan tâm tới vấn đề này một khi Trung Quốc đưa ra yêu sách trên biển, để xem xét liệu có động chạm vào lợi ích của họ hay không.

Xin cảm ơn ông.

Theo Thanh niên