Biến chủng Delta của SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn so với dự đoán

VietTimes – Dù 80% người trưởng thành đã tiêm một liều vaccine, mùa Đông năm nay, Vương quốc Anh vẫn có thể phải đối mặt với một làn sóng dịch COVID-19 do biến chủng Delta xuất hiện ở Ấn Độ hồi tháng 10/2020 gây ra .
Biến chủng Delta đang trở thành nguy cơ lớn đối với các quốc gia (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo Chinatimes ngày 20/6, Vương quốc Anh hiện đang phải đối mặt với biến thể Delta của loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) có nguồn gốc từ Ấn Độ, với sự gia tăng hơn 30.000 ca nhiễm mới chỉ trong một tuần. Ngay cả khi 80% người Anh trong độ tuổi trưởng thành đã được tiêm một liều vaccine, Giám đốc Y tế của chính phủ Anh Chris Whitty, vẫn tỏ ra bi quan, cho rằng mùa Đông năm nay, nước Anh có thể sẽ phải đối mặt với cuộc tấn công của một làn sóng dịch mới. Ông dự đoán rằng sẽ có nhiều loại virus biến thể hơn trong tương lai và thế giới có thể phải chờ thêm khoảng 5 năm trước mới có được một loại vaccine có thể ngăn chặn các loại virus biến thể.

Theo các hãng tin Mỹ CNBCThe Guardian của Anh, hơn 42 triệu người Anh đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, tương đương với 80% dân số tuổi trưởng thành và hơn 30 triệu người đã tiêm đủ hai liều theo quy định.

Dữ liệu cho thấy biến chủng Delta đang lây nhiễm nhanh nhất ở Anh (Ảnh: PHE).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi sự xâm nhập của biến thể Delta mới có nguồn gốc từ Ấn Độ, Cơ quan Y tế Công cộng Anh (Public Health England, PHE) ngày 18/6 đã thông báo : trong tuần qua số ca bệnh liên quan đến biến thể Delta đã tăng thêm 33.630 ca, tăng 79% so với tuần trước và số ca nhập viện cũng tăng gấp đôi. Tổng số ca bệnh ở Anh được chẩn đoán liên quan đến biến thể Delta đã lên tới 75.953. Cơ quan Y tế Công cộng của Anh PHE chỉ ra rằng các trường hợp mắc biến thể Delta chủ yếu là thanh niên, và chính quyền đã mở đợt tiêm chủng quy mô lớn cho những người trên 18 tuổi ngay trong ngày 18/6.

Giáo sư Adam Finn của Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng và chủng ngừa Vương quốc Anh (Joint Committee On Vaccination And Immunisation, JCVI), cho rằng “làn sóng dịch thứ ba chắc chắn đã đang xảy ra”. Mặc dù dịch bệnh không tăng lên rất nhanh, nhưng nó thực sự đang gia tăng. Tình hình hiện tại ở Vương quốc Anh giống như đang chạy đua với biến thể virus Delta, nhiều người cao tuổi cần hoàn thành tiêm liều vaccine thứ hai.

Giám đốc Y tế của chính phủ Anh, Chris Whitty, cũng bày tỏ sự bi quan trong một bài phát biểu vào ngày 17/6 rằng làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta Ấn Độ gây ra hiện nay có thể bùng phát trở lại vào mùa Đông. Ông cho rằng nhiều loại biến thể virus hơn sẽ xuất hiện trong tương lai. Ông thậm chí còn cho rằng, thế giới có thể phải đợi thêm 5 năm nữa mới có được các loại vaccine khác nhau có thể chống lại một loạt các biến thể khác của coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2).

Ông Karrl Lauterbach, một chuyên gia về các vấn đề Y tế của Đảng Dân chủ Xã hội Đức dự đoán mùa Thu tới chủng đột biến Delta sẽ lại gây ra nhiều ca bệnh hơn ở Đức (Ảnh: Deutsche Welle).

Ông cho rằng trước khi đó, chính phủ cần xúc tiến một chương trình vaccine mới và phải cho công chúng tiêm thêm liều vaccine thứ ba.

Để có thể sớm ứng phó với sự tấn công của biến chủng Delta này, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock vào đầu tháng này cho biết rằng Vương quốc Anh đã bắt đầu đàm phán với AstraZeneca để đạt được hợp đồng vaccine chống lại loại biến thể Delta này; ngoài ra, Vương quốc Anh cũng đã bắt đầu các thử nghiệm về tiêm liều vaccine bổ sung; có tin cho biết, người Anh sẽ được tiêm liều vaccine thứ ba trước khi mùa Đông tới.

Trong khi đó, tại Đức, theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 19/6, căn cứ dữ liệu mới nhất do Viện Robert Koch (RKI) cung cấp, biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn và nguy hiểm hơn của SARS-CoV-2 hiện đã chiếm 6,2% tổng số ca lây nhiễm được xác nhận ở nước Đức. Mặc dù điều này có nghĩa là nó vẫn còn "khá hiếm" ở quốc gia này, nhưng tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước (3,7%).

Các chuyên gia chỉ ra rằng sự lây lan của chủng đột biến này có thể tăng nhanh. Tại Vương quốc Anh, chủng đột biến lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ này đã khiến kế hoạch nới lỏng phòng dịch ban đầu dự kiến ​​sẽ được đưa ra vào tuần tới bị hoãn lại một tháng. Bối cảnh của nó: đầu tháng 5, tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong 7 ngày trên 100.000 dân ở Vương quốc Anh vẫn thấp hơn 20 người; nhưng sau đó, nó đã tăng mạnh và hiện tại đã vượt xa con số 70/100.000.

Cũng theo Deutsche Welle, trong 7 ngày qua, tình hình lây nhiễm mới ở Anh đã làm nổi bật sự lây lan hiện nay của vi rút biến thể Delta: có 55.216 ca lây nhiễm được báo cáo từ ngày 10 đến ngày 16/6, tăng gần một phần ba so với tuần trước đó. Các chuyên gia chỉ ra rằng vẫn còn số lượng đáng kể các ca lây nhiễm chưa được báo cáo. Ngoài ra, so với tuần trước, số người nhập viện thậm chí còn tăng thêm 40%.

Giới trẻ được dự đoán sẽ là lớp người bị nhiễm chủng Delta nhiều (Ảnh: Xinhua).

Ông Karrl Lauterbach, một chuyên gia về các vấn đề Y tế của Đảng Dân chủ Xã hội (Sozialdemokratische Partei Deutschlands, SPD), dự đoán rằng khi mùa thu đến, chủng đột biến Delta sẽ lại gây ra nhiều ca bệnh hơn ở Đức. Chính trị gia xuất thân trong ngành y này nói với báo chí rằng một nghiên cứu mới của Đại học Oxford đã xác nhận rằng tính mùa vụ của chủng đột biến Delta cao hơn đáng kể so với giả định ban đầu, có nghĩa là nguy cơ lây nhiễm vào mùa Hè sẽ thấp hơn nhiều so với mùa Đông.

Tuy nhiên, ông Karrl Lauterbach nhấn mạnh rằng biến thể Delta này có 3 vấn đề lớn: dễ lây lan hơn, dễ dẫn đến diễn biến bệnh nghiêm trọng hơn và có khả năng kháng một phần vaccine, đặc biệt nếu nó chỉ được tiêm một mũi. Vị nhân sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội Đức này nói, ông hy vọng rằng đến lúc đó sẽ có đủ số lượng người được tiêm chủng ngừa hai mũi để không bùng phát đại dịch.

Theo kết quả phân tích dữ liệu do cơ quan y tế Anh cung cấp, những người đã hoàn thành việc tiêm vaccine Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca về cơ bản sẽ không có diễn biến bệnh nặng và hiệu quả cũng cao như đối với chủng đột biến Alpha, so với những người chưa được tiêm vaccine nguy cơ nhập viện giảm tới hơn 90%.

Những người chỉ tiêm một liều vaccine nhận được ít sự bảo vệ hơn đáng kể, đặc biệt là vaccine AstraZeneca. Vốn ra, sau khi tiêm mũi đầu tiên, nó đáng lẽ có thể bảo vệ mạnh mẽ, nhưng kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả bảo vệ sau mũi tiêm thứ nhất thấp hơn đáng kể so với dự kiến.

Dòng biến chủng Delta được coi là nguy hiểm vì các triệu chứng mà nó gây ra rõ ràng khác với các biến thể đã biết trước đây của SARS-CoV-2. Những người bị nhiễm chủng Delta sẽ bị nhức đầu, sổ mũi và đau họng. Ngoài ra, theo báo cáo của người nhiễm bệnh với Ứng dụng Theo dõi Các triệu chứng COVID-19 của Anh, mặc dù sốt cũng là một triệu chứng, nhưng người lây nhiễm biến chủng Delta lại không bị mất khứu giác và vị giác.

Một chuyên gia của trường King's College London, người đã phân tích kết quả của các nghiên cứu liên quan chỉ ra rằng, điều này có nghĩa là ở một số người trẻ tuổi, chứng COVID-19 chỉ giống như bị cảm mạo thông thường nên dễ gây ra chủ quan.