Hong Kong: “Nghìn lẻ một” kiểu khuyến khích người dân tiêm vaccine COVID-19 và những mặt trái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Owen Ching mong muốn được tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng lại không đủ tiền chi trả phí khám sàng lọc xem liệu anh có phù hợp để tiêm hay không.
Còn rất nhiều do dự tiêm vaccine COVID-19 vì sợ nguy cơ chịu các phản ứng phụ (Ảnh: SCMP)
Còn rất nhiều do dự tiêm vaccine COVID-19 vì sợ nguy cơ chịu các phản ứng phụ (Ảnh: SCMP)

Do bị mất vị trí công việc quản lý tại một nhà hàng từ năm ngoái, anh Ching, 38 tuổi sống tại Hong Kong (Trung Quốc), phải sống dựa vào nguồn tiền hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ và chuyển tới một phòng khách sạn có diện tích 20 mét vuông với giá 2.000 đôla HongKong (260 USD)/tháng.

Ching lo rằng anh có thể có vấn đề về sức khỏe, từ đó gây ra các phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Hiện giờ, đang làm công việc nhân viên an ninh bán thời gian với mức lương hơn 10.000 đôla Hong Kong (1.288 USD)/tháng, chi phí kiểm tra y tế (khám sàng lọc) vốn đắt đỏ chính là điều cản trở anh đi tiêm phòng vaccine.

Thế nhưng mới đây, Ching vui mừng khi thấy các doanh nghiệp ở Hong Kong đưa ra nhiều hình thức khuyến khích người dân đi tiêm vaccine COVID-19. Điều đặc biệt hấp dẫn đối với anh chính là thưởng tiền mặt, cụ thể là 1.000 đôla Hong Kong (128 USD) cho một người có mức sống dưới trung bình đi kiểm tra sức khỏe và tiêm vaccine.

Owen Ching rất thích những hình thức khuyến khích và đã quyết định đi tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh: SCMP)

Owen Ching rất thích những hình thức khuyến khích và đã quyết định đi tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh: SCMP)

“Điều đó khích lệ chúng tôi rất nhiều” – Ching nói.

Chính quyền Hong Kong hiện đang muốn đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine trước khi hàng triệu liều chưa dùng hết hạn vào đầu tháng 8 tới.

Hong Kong đang hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng với COVID-19, trong đó cần ít nhất 70% trong tổng số 7,5 triệu dân của thành phố được tiêm đầy đủ.

Tính đến ngày 17/6 vừa qua, khoảng 1,8 triệu người Hong Kong đã được tiêm mũi đầu tiên và khoảng 1,2 triệu người được tiêm mũi thứ hai, chiếm khoảng 16% dân số thành phố này.

Hong Kong đã khởi động chương trình tiêm vaccine tự nguyện trong tháng 2/2021 với 2 loại vaccine – của BioNTech (Đức) và Sinovac (Trung Quốc) – được tiêm hoàn toàn miễn phí với tất cả người dân.

Tốc độ tiêm chủng đã bị chậm trong suốt nhiều tháng do nhiều người dân vẫn lo ngại về những tác dụng phụ của vaccine COVID-19. Đến cuối tháng 5, hơn 30 doanh nghiệp đã tuyên bố các phần thường cho người đã được tiêm vaccine – bao gồm cho ngày nghỉ phép, phiếu mua hàng giảm giá, vé máy bay, điện thoại iPhone và tiền mặt.

Nhân viên chính quyền đã tiêm vaccine trong khoảng thời gian từ ngày 1/6 – 31/8 sẽ được hưởng 1 ngày nghỉ có lương sau mỗi lần tiêm.

Ngoài ra còn phải kể đến những phần thường đặc biệt hấp dẫn khác như tặng nguyên 1 căn hộ mới rộng 449 mét vuông có giá 10,8 triệu đôla Hong Kong (1,39 triệu USD), 1 năm miễn phí hoàn toàn ở khách sạn, tặng cổ phiếu hay một chiếc xe điện trị giá 64.000 USD. Đương nhiên phần thưởng có hạn và chỉ rơi vào tay một số ít những người may mắn.

Căn hộ mới trị giá hơn 1 triệu USD là một phần thưởng đặc biệt cho người tiêm vaccine may mắn nhất (Ảnh: SCMP)

Căn hộ mới trị giá hơn 1 triệu USD là một phần thưởng đặc biệt cho người tiêm vaccine may mắn nhất (Ảnh: SCMP)

Sau khi phần thưởng căn hộ mới được công bố vào ngày 28/5, số lượng người đăng ký tiêm vaccine đã tăng lên tới 25.600, so với mức 20.200 chỉ trước đó 1 ngày. Tính đến ngày 1/6, số người đăng ký tiêm vaccine đã lên tới 47.600. Và kể từ đó, số lượng người đăng ký hàng ngày dao động trong khoảng từ 20.000 – 40.000.

Nhân viên thích phần thưởng nghỉ có lương

Dennis Wong, 27 tuổi, làm việc trong ngành xuất bản, đã đăng ký tiêm mũi đầu tiên vào ngày 2/6, sau khi công ty của anh tuyên bố sẽ thường 1 ngày nghỉ có lương sau mỗi lần đi tiêm. Anh nói rằng công việc căng thẳng khiến bản thân không có thời gian để đi tiêm trong những ngày trong tuần, và anh cảm thấy cũng không phải gấp bởi tình hình dịch COVID-19 ở Hong Kong cũng không quá nghiêm trọng.

Trong hôm 18/6, Hong Kong ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới COVID-19, tất cả đều là từ bên ngoài tới thành phố này. Tổng số ca nhiễm ở thành phố hiện đang là 11.884, trong đó có 210 ca tử vong.

Wong nói: “Hình thức cho ngày nghỉ có lương là hấp dẫn nhất với tôi”. Anh cho rằng bản thân sẽ muốn nghỉ ngơi trong trường hợp xảy ra phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine. Anh nghĩ khả năng mình được tặng 1 căn hộ là gần như bằng 0. “Nếu bạn đi tiêm vaccine chỉ để nhận thường, thì bạn đang làm điều đó vì mục đích sai trái”,Wong nói.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, thuộc ĐH Trung Quốc ở Hong Kong, 50% trong tổng số 705 người tham gia nói họ tin rằng người dân càng đi tiêm vaccine sớm thì Hong Kong càng sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Hơn 2/3 tổng số người tham gia cho rằng tặng ngày nghỉ có lương sau mỗi lần tiêm vaccine là hình thức khuyến khích hiệu quả. Gần 50% tin rằng miễn trừ cách ly cho những người đã tiêm vaccine khi họ tới khu vực Greater Bay cũng có thể khuyến khích người dân. 2/5 số người tham gia nói rằng thưởng tiền có tác dụng.

Các nhân viên xã hội thì cho rằng một số hình thức khuyến khích nhất định có thể giúp người sống dưới mức trung bình đi tiêm vaccine. Bởi vậy, nhà phát triển bất động sản New World Development mới đây đưa ra hình thức trao thưởng 1.000 đôla Hong Kong cho khoảng 5.000 người sống dưới mức trung bình cho mỗi lần họ đi tiêm vaccine và kiểm tra sức khỏe.

“Vượt qua nỗi sợ hãi”

Nguyên nhân chính khiến nhiều người do dự khi đi tiêm vaccine COVID-19 chính là các phản ứng phụ có thể có (Ảnh: FT)

Nguyên nhân chính khiến nhiều người do dự khi đi tiêm vaccine COVID-19 chính là các phản ứng phụ có thể có (Ảnh: FT)

Bất chấp vô số hình thức khuyến khích, một số người vẫn không muốn đi tiêm vaccine COVID-19.

Chan, 56 tuổi, một nhân viên an ninh, cho hay ông không tin vào cả 2 chủng vaccine hiện tại ở Hong Kong, đặc biệt là sau khi đọc được tin về nhiều trường hợp chịu phản ứng phụ và thậm chí tử vong sau tiêm.

Ông nói rằng chính quyền thành phố nên làm nhiều hơn để tăng niềm tin của người dân với vaccine, và đảm bảo rằng người dân sẽ được chăm sóc nếu như bất cứ điều gì xảy ra với họ sau khi tiêm.

“Tôi là người kiếm tiền chính trong gia đình, tôi không thể chịu rủi ro như vậy được” – ông Chan nói – “Chỉ khi vượt qua được nỗi sợ hãi tôi mới đi tiêm”.

Các hình thức khuyến khích cũng không thể xóa đi nỗi lo của ông. “Tiêm chủng là để cứu người, chứ không phải để trúng thưởng”, ông nói.

Paul Cheng, quản lý nhà hàng đã nghỉ hưu, 74 tuổi, cũng không có đủ niềm tin đối với vaccine COVID-19 và lo ngại rằng chứng bệnh cao huyết áp của ông sẽ là một vấn đề. “Một căn hộ miễn phí cũng chả là gì nếu như tôi chết”, ông nói.

Ông Cheng, người đang sống cùng với người vợ 70 tuổi, mong muốn chính quyền Hong Kong công khai thêm thông tin cụ thể về vaccine và những rủi ro về sức khỏe của chúng, để người dân dễ đưa ra quyết định.

“Cho đến khi đó, tôi sẽ chỉ cố gắng tránh xa nơi đông người và thực hiện các biện pháp phòng chống để bảo vệ bản thân” – Cheng nói.

“Phần thưởng chỉ thúc đẩy giá trị sai lầm”

Một nghiên cứu mới đây của ĐH Trung Quốc tại Hong Kong chỉ ra rằng, chỉ có ¼ số người chưa tiêm vaccine mong muốn đi tiêm trong vòng 6 tháng tới.

Nguyên nhân chủ yếu cho sự do dự của họ chính là lo sợ những tác dụng phụ của vaccine, thiếu niềm tin và các khuyến cáo của chính quyền và cả các hãng sản xuất vaccine. Bởi vậy họ sẵn sàng chờ đợi để có những chủng vaccine tốt hơn trong tương lai.

Trong số 1.200 người Hong Kong tham gia khảo sát qua điện thoại trong khoảng từ 23/4 – 8/5, 70% không đồng tình với việc chính quyền thưởng tiền để tăng tốc tiêm chủng vaccine COVID-19. Họ tin rằng việc nới lỏng cách ly và giãn cách xã hội, hoặc cho phép du lịch sẽ là phần thưởng tốt hơn dành cho người đã tiêm chủng.

Giáo sư Paul Chan Kay-sheung – trưởng khoa vi sinh ĐH Trung Quốc tại Hong Kong – nói rằng nhìn chung thì các biện pháp khuyến khích là tốt, bởi ít nhất chúng khiến người dân có động lực để suy nghĩ và thảo luận về việc đi tiêm. Nhưng ông thêm rằng, riêng các biện pháp đó là chưa đủ, và số người đăng ký tiêm sẽ sớm giảm trong thời gian tới.

Theo ông, để thúc đẩy tốc độ tiem vaccine của thành phố, chính quyền cần phải giải quyết vấn đề chính, đó là nỗi lo của người dân trước những phản ứng phụ của vaccine.

“Chúng ta cần phải loại bỏ khái niệm sai về mức độ an toàn của các chủng vaccine” – ông nói.

Calvin Ho Wai-loon – Giáo sư đến từ ĐH Hong Kong – cho rằng có nhiều vấn đề về đạo đức trong việc đưa ra các hình thức khuyến khích tiêm chủng, ít nhất là không công bằng đối với những người có bệnh nền và những người không thể tiêm vaccine.

Ông nói, các hình thức khuyến khích có thể khiến những người không phù hợp tiêm vaccine liều mình đi tiêm chỉ vì cơ hội giành giải thưởng 1 căn hộ mới.

“Một số hình thức khuyến khích có thể quá hấp dẫn đến nỗi chúng trở thành nguyên nhân xui khiến người ta” – ông nói – “Thu hút người dân đi tiêm theo kiểu này, bạn có thể thúc đẩy những giá trị sai trái”.

Ông cho rằng những phần thưởng như vậy cũng có thể khiến người dân hy vọng trúng thưởng khi đi tiêm vaccine, thay vì đi tiêm để bảo vệ chính bản thân họ và cộng đồng.

Khi các doanh nghiệp Hong Kong đưa ra các phần thưởng hấp dẫn, có thể họ không nhận thức được những vấn đề về đạo đức, ông nói. “Tôi nghĩ về cộng đồng và những người xung quanh mình. Tôi sẽ đi tiêm vì những con người đó chứ không phải vì phần thưởng nào cả”, ông nói.

Theo SCMP